Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng khẳng định: Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Dân giám sát, dân thụ hưởng là điểm mới của phương châm, để phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo vai trò, quyền làm chủ của nhân dân trong tiến trình đổi mới.
Dân thụ hưởng là tư tưởng Hồ Chí Minh, được thể hiện tập trung, cô đọng nhất trong tác phẩm Dân vận của Người: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. Xuất phát từ giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng, chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ chính trị (khóa XII) về tiếp tục học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân. Từ tư tưởng của Người “bao nhiêu lợi ích đều vì dân” Đảng ta bổ sung “dân thụ hưởng”, đây là bước phát triển mới về nhận thức lý luận của Đảng.
Quan điểm, phương châm chỉ đạo “dân thụ hưởng” là hoàn toàn phù hợp với bản chất của Đảng, Nhà nước ta và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện tốt phương châm “dân thụ hưởng cần có những giải pháp:
Một là, nâng cao nhận thức cho các chủ thể về vai trò của nhân dân, dân thụ hưởng. Cần nhận thức rằng thực hiện tốt phương châm “dân thụ hưởng” thực chất là đầu tư cho chiến lược con người, sự phát triển bền vững, củng cố cơ sở chính trị xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Không chỉ dừng lại ở nhận thức mà đòi hỏi hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên phải nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào hành động cách mạng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững độc lập tự chủ. Làm sao “Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân”. Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài phục vụ lợi ích của nhân dân và cả dân tộc.
Hai là, tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Để thực hiện tốt phương châm “dân thụ hưởng” phải là quá trình tương tác giữa các chủ thể với nhân dân, tạo sự cộng hưởng phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống chính trị với nhân dân, quyền lợi gắn chặt với trách nhiệm công dân, ý chí, khát vọng tự lực, tự cường của nhân dân. Hệ thống chính trị phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện các chủ trương của Đảng như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập: “chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm…”.
Ba là, phát huy chủ gắn với khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh dân chủ là chìa khóa để giải quyết những khó khăn. Do đó cần “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”. Bảo đảm công khai, minh bạch thông tin và cơ hội tiếp cận thông tin của mọi tầng lớp nhân dân. Coi trọng hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, kịp thời giải quyết những bức xúc, kiến nghị của nhân dân, không để trở thành điểm nóng phức tạp, kéo dài. Song với phát huy dân chủ phải khơi nguồn, đánh thức sự nhiệt huyết, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, khắc phục sự thụ động, trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận nhân dân.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, có khát vọng cống hiến, tận tụy phục vụ nhân dân. Cán bộ luôn là cái gốc của mọi công việc, do vậy dân thụ hưởng đến mức nào tùy thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Bác Hồ đã dạy “Cán bộ phải đi thật sát với dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”. Đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà còn gần gũi sâu sát quần chúng nhân nhân, tuyên truyền vận động, thuyết phục nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước. Đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ dân vận nói riêng phải kiên trì thực hiện “6 dám” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng”dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách”.
Trải qua hơn 72 năm, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ “bao nhiêu lợi ích đều vì dân” được Đảng ta bổ sung cụ thể hoá trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII “dân thụ hưởng” thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Người và phương hướng, mục tiêu chính trị của Đảng ta, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân, đó là chân lý, “là đạo đức, là văn minh”, là nguồn trữ năng lớn, hiện thực hoá khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn./.