Câu 1
Hỏi: Đồng chí A bị tố cáo vi phạm về thái độ, văn hóa ứng xử trong hoạt động công vụ; tổ chức Đảng có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với đồng chí A. Qua kiểm điểm và giải trình, đồng chí A khẳng định không có vi phạm; tổ chức Đảng không có bằng chứng khẳng định đồng chí A có vi phạm; người tố cáo cũng không cung cấp được chứng cứ để khẳng định nội dung tố cáo của mình là đúng. Kết thúc giải quyết, tổ chức Đảng có thẩm quyền kết luận không có cơ sở khẳng định đồng chí A có vi phạm trong hoạt động công vụ và có văn bản trả lời người tố cáo.
Vậy việc xem xét, xử lý của tổ chức Đảng có thẩm quyền có đúng quy định hay không? Trường hợp đồng chí A có văn bản đề nghị tổ chức Đảng giải quyết tố cáo xử lý người tố cáo vì cho rằng bịa đặt, vu khống, có dụng ý xấu đối với mình thì xử lý thế nào?
Trả lời: Việc giải quyết tố cáo đối với đồng chí A được thực hiện theo quy trình giải quyết tố cáo; trên cơ sở báo cáo thẩm tra, xác minh của đoàn kiểm tra; tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét, kết luận không có cơ sở khẳng định đồng chí A vi phạm trong hoạt động công vụ và trả lời người tố cáo là đúng quy định của Đảng.
Trường hợp đồng chí A có văn bản đề nghị xử lý người tố cáo vì cho rằng bịa đặt, vụ khống đối với mình, thì tổ chức Đảng giải quyết tố cáo có thể tiến hành xem xét giải quyết hoặc đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền tiến hành kiểm tra đối với người tố cáo (nếu người tố cáo là đảng viên). Trường hợp người tố cáo không phải là đảng viên thì Ủy ban Kiểm tra đề nghị tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đề nghị của đồng chí A.
Nếu xác định nội dung tố cáo là bịa đặt, vu khống thì xem xét, xử lý theo Quy định 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Câu 2
Hỏi: Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Quận X đang tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về công tác tổ chức cán bộ đối với Ban Thường vụ Đảng ủy phường X và đồng chí A (cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy quản lý) trong việc điều động, bổ nhiệm cán bộ theo thẩm quyền.
Tuy nhiên, đang trong quá trình kiểm tra; đồng chí A lại hết thời hạn bổ nhiệm, phải xem xét, bổ nhiệm lại theo quy định. Đồng chí A cũng có đơn đề nghị được xem xét, bổ nhiệm lại, nếu vi phạm thì sau đó xem xét, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy lại đề nghị tạm dừng bổ nhiệm lại đối với đồng chí A để xem xét, kết luận theo thẩm quyền.
Hỏi, việc đề nghị tạm dừng bổ nhiệm lại đối với đồng chí A có đúng quy định của Đảng không?
Trả lời: Khoản 3, Điều 11, Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25 tháng 2 năm 2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ quy định về thẩm quyền của chủ thể kiểm tra:
“Được yêu cầu tạm dừng việc thực hiện các nội dung trong công tác cán bộ đối với cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm”.
Như vậy, trường hợp câu hỏi nêu, căn cứ quy định trên, việc Ủy ban Kiểm tra Quận ủy Quận X đề nghị tạm dừng bổ nhiệm lại đối với đồng chí A là đúng quy định.