Cách đây 67 năm, vào ngày 27- 2-1955, nhân dịp Hội nghị Cán bộ y tế được tổ chức tại thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị. Bức thư với những nội dung sâu sắc, khoa học, mang tính định hướng chiến lược, đã trở thành tài sản vô giá của ngành y tế nước ta. Bác đã động viên những người thầy thuốc Việt Nam thực hiện “Lương y phải như từ mẫu”, ra sức phấn đấu xây dựng một nền y học với phương châm “khoa học, dân tộc và đại chúng”, nhằm phục vụ sự nghiệp cách mạng và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Trong thư, Bác viết: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn”.
Từ ý nghĩa sâu sắc của bức thư, ngày 6-2-1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 39/HĐBT lấy ngày 27-2 hằng năm làm Ngày Thầy thuốc Việt Nam và cũng kể từ đó, ngày 27-2 đã trở thành ngày truyền thống của ngành y tế và thầy thuốc Việt Nam, nhằm nêu cao trách nhiệm và trí tuệ của người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những phẩm chất cao quý của các danh y tiền bối như Tuệ Tĩnh (thế kỷ XV), Lê Hữu Trác (Hải Thượng Lãn Ông, thế kỷ XVIII)… và tiếp tục được những người thầy thuốc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh không ngừng nâng cao, phát huy và phát triển. Những tấm gương tiêu biểu cho ngành y tế như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, các giáo sư Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Tài Thu... và nhiều giáo sư, bác sĩ khác đã làm rạng rỡ thêm truyền thống cao quý của ngành y tế và những người thầy thuốc Việt Nam.
Trong gần một thế kỷ đô hộ, thực dân Pháp không hề xây dựng mạng lưới y tế ở nước ta. Gần 77 năm trước, ngay sau Lễ Quốc khánh ngày 2-9-1945, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước bước vào cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược. Hòa bình lập lại năm 1954 ở miền Bắc, ngành y tế nước ta đứng trước một thực trạng bộn bề thử thách: cơ sở vật chất y tế yếu kém, đội ngũ cán bộ chuyên môn ít ỏi, bệnh tật tràn lan...Trong điều kiện đất nước còn khó khăn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm sâu sắc đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, của bộ đội và đội ngũ cán bộ. Ngành y tế cách mạng non trẻ của ta cũng trưởng thành trong những ngày khói lửa ấy. Chúng ta nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ trong bài viết sức khỏe và thể dục, đăng trên báo Cứu quốc, ra ngày 27-3-1946: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe”.
Sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, gần 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược và gần 45 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân của chúng ta có bước trưởng thành vượt bậc về mọi mặt.
Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế với Campuchia và Lào, cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, ngành y tế và các thầy thuốc Việt Nam đã đóng góp nhiều xương máu, sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Công lao của những người thầy thuốc Việt Nam, không những được Nhân dân ta đánh giá cao mà giới y học thế giới cũng đánh giá cao và trân trọng (cả hệ thống mạng lưới lẫn trình độ chuyên môn, tay nghề, cả y học hiện đại lẫn các phương pháp, bài thuốc y học cổ truyền dân tộc)
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả, làm tốt công tác dự phòng, phát hiện sớm, điều trị kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên. Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, được thiết lập từ Trung ương tới địa phương và hầu hết các cơ sở này có đủ bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh hoạt động dựa trên nguyên lý bác sĩ gia đình. Nhiều trạm y tế xã đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến được nâng lên.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, đòi hỏi mỗi người thầy thuốc phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, tìm tòi, sáng tạo để đem khả năng và tâm huyết, góp sức mình hoàn thành sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trích Sổ tay Xây dựng Đảng tháng 2 năm 2020