Câu 1: Đồng chí A là Quận ủy viên, Bí thư Chi bộ Phòng Y, Đảng bộ Cơ quan Chính quyền Quận Z, vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình (sinh con thứ 3). Tuy nhiên, do Chi bộ Phòng Y không có chi ủy, không có Phó Bí thư Chi bộ nên Chi bộ Phòng Y đã báo cáo cấp ủy cấp trên để cử đại diện cấp ủy cấp trên xuống chủ trì hội nghị của Chi bộ Phòng Y về xem xét, xử lý kỷ luật đối với đồng chí A. Sau hội nghị xem xét kỷ luật, Chi bộ Phòng Y đã báo cáo kết quả để tổ chức đảng có thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật thì có 02 ý kiến sau:
Ý kiến thứ nhất: Tổ chức đảng có thẩm quyền ở đây là Đảng ủy cơ sở cấp trên trực tiếp (Đảng ủy cơ quan Chính quyền) vì Chi bộ Phòng Y trực thuộc Đảng bộ Cơ quan Chính quyền và đảng viên vi phạm nội dung thuộc thẩm quyền của Chi bộ và Đảng ủy xem xét kỷ luật.
Ý kiến thứ hai: Tổ chức đảng có thẩm quyền ở đây là Ban Thường vụ Quận ủy Z vì đồng chí A là Quận ủy viên, là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Quận ủy Z quản lý.
Vậy ý kiến nào đúng?
Trả lời: Tại điểm 1.1, Khoản 1, Điều 11. Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định:
“(1.1). Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).”
Điểm 7.1, Khoản 7, Mục III, Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có nêu rõ:
“(7.1). Chi bộ chỉ có Bí thư chi bộ, nếu bí thư chi bộ bị xử lý kỷ luật thuộc thẩm quyền của chi bộ thì bí thư chi bộ báo cáo cấp ủy cấp trên quản lý trực tiếp để cử đại diện chủ trì hội nghị xem xét, kỷ luật. Sau khi biểu quyết quyết định kỷ luật, chậm nhất 5 ngày chi bộ phải gửi báo cáo kết quả hội nghị (biên bản họp, bản tự kiểm điểm, phiếu biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật, biên bản kiểm phiếu của bí thư chi bộ) đến tổ chức đảng có thẩm quyền để ban hành Quyết địunh kỷ luật”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đồng chí A là Quận ủy viên Quận Z, Bí thư chi bộ Phòng Y vi phạm chính sách dân số, khi xem xét, xử lý kỷ luật, Chi bộ Phòng Y không có chi ủy, không có Phó Bí thư Chi bộ thì sau khi biểu quyết quyết định kỷ luật, chậm nhất 5 ngày Chi bộ phải gửi báo cáo kết quả hội nghị (biên bản họp, bản tự kiểm điểm, biên bản kiểm phiếu quyết định kỷ luật đối với Bí thư chi bộ) đến Đảng ủy cơ sở cấp trên trực tiếp để xem xét, ban hành quyết định kỷ luật.
Vậy ý kiến thứ nhất là đúng.
(Nguồn: Tạp chí Kiểm tra tháng 2 năm 2022)
Câu 2:
Hỏi: Đảng viên T bị phát hiện có vi phạm pháp luật (không đến mức phải xử lý hình sự) trước khi được kết nạp vào Đảng. Trong trường hợp này, tổ chức đảng phải xử lý như thế nào? Có phải xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên T không?
Trả lời: Điểm 2.1, Khoản 2, Mục IV, Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Ban Bí thư về thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nêu:
“(2.1). Đảng viên mới được phát hiện hoặc bị tố cáo vi phạm trước khi kết nạp vào Đảng hoặc khi bị cơ quan, tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể thì tổ chức đảng quản lý đảng viên đó kiểm tra, xem xét, xử lý theo quy định của Đảng”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên T bị phát hiện có vi phạm pháp luật trước khi kết nạp vào Đảng thì tổ chức đảng quản lý đảng viên T nắm tình hình, khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì kiểm tra và kết luận, nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định hoặc kiến nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
(Nguồn: Tạp chí Kiểm tra tháng 2 năm 2022)