Câu 1:
Hỏi: Có thể sử dụng kết luận, quyết định kỷ luật về mặt chính quyền để xem xét kỷ luật đảng đối với cùng một nội dung vi phạm không?
Trả lời: Tại khoản 5, Điều 9, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng như sau:
“Kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác). Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật Đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời”
Khi các tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị- xã hội đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải chủ động báo ngay cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó để xem xét, xử lý kỷ luật Đảng. Sau khi giải quyết khiếu nại kỷ luật về Đảng, nếu có thay đổi hình thức kỷ luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét lại hình thức kỷ luật về hành chính, đoàn thể”.
Như vậy, đảng viên vi phạm đã bị thi hành kỷ luật về chính quyền và phải xem xét, thi hành kỷ luật Đảng. Quyết định kỷ luật về mặt chính quyền chỉ là một căn cứ để xem xét, xử lý kỷ luật Đảng. Khi nhận được kết luận, quyết định kỷ luật về mặt hành chính, tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn phải tiến hành kiểm tra, xem xét, kết luận và quyết định xử lý kỷ luật về Đảng theo đúng quy định của Đảng.
Câu 2:
Hỏi: Trong quy trình tổ chức kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nếu đối tượng được kiểm tra không thực hiện việc báo cáo giải trình, không đến gặp làm việc theo yêu cầu thì đoàn kiểm tra cần làm gì?
Trả lời: Khoản 6, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng có quy định về Quyền và trách nhiệm của đối tượng kiểm tra, giám sát như sau:
- Chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng về kiểm tra, giám sát, các quyết định, kết luận, yêu cầu của chủ thể kiểm tra, giám sát; báo cáo giải trình đầy đủ, trung thực về các nội dung được yêu cầu.
- Được sử dụng bằng chứng có liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát để báo cáo, giải trình; bảo lưu ý kiến và đề nghị tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét lại nhận xét, đánh giá, kết luận, quyết định đối với mình hoặc việc thực hiện nguyên tắc, quy trình, thủ tục, nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền của chủ thể kiểm tra, giám sát.
Điểm 4.2, Khoản 4, Mục II, Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Ban Bí thư về hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng nêu rõ: “Trường hợp đại diện tổ chức đảng, đảng viên vi phạm khi được tổ chức đảng có thẩm quyền mời gặp nhưng không đến mà không có lý do chính đáng thì tổ chức đảng vẫn xem xét, quyết định thi hành kỷ luật theo quy định”.
Như vậy, trường hợp đối tượng kiểm tra không thực hiện báo cáo giải trình, không đến gặp làm việc theo yêu cầu thì Đoàn kiểm tra báo cáo với Ủy ban Kiểm tra về việc đối tượng không thực hiện yêu cầu của Đàn kiểm tra và vẫn tiến hành thực hiện quy trình kiểm tra.
(Nguồn: Tạp Chí kiểm tra Trung ương, tháng 4 năm 2022)