Trong lịch sử hiện đại của dân tộc, ngày 19/12/1946 được xem là ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Thế nhưng, trước đó hơn một năm, quân dân ta đã thực hiện "Ngày Nam Bộ kháng chiến" 23/9/1945, trực diện chiến đấu với kẻ thù tại Sài Gòn
Trước đó, thực dân Pháp với sự giúp đỡ của quân đội Anh (trên danh nghĩa quân Đồng minh giải giáp quân đội Nhật ở Nam Bộ) đã nhiều lần gây hấn tại Sài Gòn. Với những hành động lấn dần từng bước, tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp vào ngày 23/9/1945 - chỉ 3 tuần lễ sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chính hoàn cảnh đó đã đặt nhân dân Sài Gòn, Nam Bộ vào cuộc chiến không thể tránh khỏi, phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu, mở ra một giai đoạn lịch sử mới của dân tộc: Nam Bộ kháng chiến.
Trước tình hình đó, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ triệu tập cuộc họp liên tịch tại Nhà số 629 đường Cây Mai (nay là đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh). Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cũng ra lời kêu gọi đồng bào Nam Bộ đoàn kết xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước: “Độc lập hay là chết… Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược… Từ giây phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là diệt giặc Pháp và tiêu diệt tay sai của chúng”.
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến.
Tiếp sau lời kêu gọi, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ phát động toàn dân tổng đình công, bãi công, bãi chợ, không hợp tác với giặc Pháp; phát động chiến tranh du kích rộng khắp, bao vây, cầm chân địch trong thành phố; tiêu hao dần lực lượng và làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp…
Chợ Bến Thành trong ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp (23/9/1945).
Tại Hà Nội, sau khi nhận được điện của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tại Bắc Bộ Phủ. Hội nghị nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ, quyết định thành lập các đơn vị nam tiến và cử cán bộ tăng cường cho Nam Bộ. Đồng thời kêu gọi nhân dân cả nước chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến ở miền Nam.
Cả nước đoàn kết một lòng, nhân dân miền Nam như được tiếp thêm sức mạnh và tinh thần lớn lao. Kết quả, nửa tháng đầu tiên, quân Pháp chỉ chiếm đóng được các vị trí, công sở chủ yếu ở trung tâm thành phố. Kẻ địch lâm vào tình trạng khốn đốn: không điện, không nước, thiếu lương thực, thực phẩm; thiếu quân, thiếu vũ khí;… Âm mưu đánh chiếm Nam Bộ trong thời gian 3 tuần của thực dân Pháp đã bị phá sản hoàn toàn.
Bác Hồ với các anh hùng và chiến sĩ thi đua miền Nam.
Tháng 2/1946, thay mặt Chính phủ và đồng bào cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Nam Bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng tổ quốc”. Hành động nhân dân Nam Bộ đánh trả tái chiếm thực dân Pháp là kịp thời, đúng đắn, hợp lý. Không chỉ ngăn chặn một bước âm mưu xâm lược của kẻ thù; đập tan mưu đồ đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp; kìm giữ và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến lâu dài và góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền đất nước; những thắng lợi trong buổi đầu kháng chiến của quân dân Nam Bộ còn trở thành biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước quật cường và ý chí chiến đấu anh dũng của dân tộc ta với niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”.
Nguồn tham khảo: Báo Quân khu 7