Câu 1: Đảng viên vi phạm kỷ luật lao động, sau khi bị kỷ luật về chính quyền thì lãnh đạo đơn vị mới báo cáo, đề nghị cấp ủy xem xét, kỷ luật đảng viên theo quy định của Đảng. Tuy nhiên, tình từ khi nhận được báo cáo, đề nghị đến khi cấp ủy ra quyết định kỷ luật đảng viên vi phạm đã hơn 30 ngày làm việc. Vậy việc cấp ủy ra quyết định hình thức kỷ luật về Đảng đối với đảng viên sau 30 ngày làm việc thì có bị coi là vi phạm thời hạn theo qui định của Đảng không?
Trả lời:
Theo khoản 6, Điều 2, Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, quy định một trong những nguyên tắc về xử lý kỷ luật là:
“Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị- xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể.
Khi các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị- xã hội đình chỉ công tác, khởi tố bị can hoặc thi hành kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó biết. Chậm nhất là 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, tổ chức đảng quản lý đảng viên phải xem xét xử lý kỷ luật về Đảng”
Căn cứ quy định trên, khi tổ chức đảng nhận được thông báo của cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị- xã hội về cán bộ, hội viên là đảng viên vi
phạm kỷ luật thì trong thời hạn 30 ngày làm việc, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng hoặc ngược lại. Quy định trên không bắt buộc trong thời hạn 30 ngày làm việc phải thực hiện xong quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đảng.
Nên việc ra quyết định hình thức kỷ luật đảng viên sau 30 ngày làm việc như trường hợp câu hỏi nêu không bị coi là vi phạm quy định của Đảng.
Câu hỏi 2: Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 40, Quy định 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Sau một năm, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật hoặc giải quyết khiếu nại kỷ luật (trừ quyết định kỷ luật khai trừ), nếu đảng viên không khiếu nại, không tái phạm hoặc không có vi phạm mới đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực”
Vậy, sau khi quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực, đảng viên đó vi phạm nội dung đã kỷ luật thì có coi là tái phạm không?
Trả lời:
Khoản 4, Điều 6, Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm giải thích từ “tái phạm” như sau:
“Là việc đảng viên vi phạm đã được kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc đã bị xử lý kỷ luật nhưng lại vi phạm nội dung đã được kiểm điểm hoặc bị xử lý”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên vi phạm đã được kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc bị xử lý kỷ luật nhưng lại vi phạm nội dung đã được kiểm điểm hoặc bị xử lý sau khi quyết định kỷ luật chấm dứt hiệu lực vẫn bị coi là tái phạm