Câu 1:
Hỏi: Đảng viên A có vi phạm về đạo đức, lối sống và thực hiện nhiệm vụ được Chi bộ B giao. Chi bộ B đã ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với vi phạm về thực hiện nhiệm vụ được chi bộ giao; khiển trách đối với vi phạm về đạo đức, lối sống. Quyết định kỷ luật đối với đảng viên A của Chi bộ B có đúng không?
Trả lời:
Tại khoản 4, Điều 2, Quy định 69-QĐ/TW, ngày 6 tháng 7 năm 2022 của Bộ chính trị quy định:
“ Một hành vi vi phạm chỉ bị kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Khi cùng một thời điểm xem xét kỷ luật nếu có từ hai hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất; không tách riêng từng hành vi vi phạm để thi hành các hình thức kỷ luật khác nhau và kỷ luật nhiều lần”
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, trong cùng thời điểm kiểm tra mà đảng viên A vừa vi phạm về đạo đức, lối sống, vừa vi phạm về thực hiện nhiệm vụ được chi bộ giao thì Chi bộ B căn cứ nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, ý thức, thái độ tự phê bình, tiếp thu phê bình và kết quả sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm để xem xét trách nhiệm, kết luận từng nội dung vi phạm. Sau đó chỉ xem xét, quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật cao nhất, không được tách riêng từng nội dung vi phạm để xử lý bằng các hình thức kỷ luật khác nhau. Như vậy, quyết định kỷ luật của Chi bộ B đối với đảng viên A bằng 02 hình thức kỷ luật cảnh cáo và khiển trách là không đúng quy định.
(Nguồn:Tạp chí Kiểm tra Trung ương tháng 9 năm 2023)
Câu 2:
Hỏi: Tổ chức đảng đã làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng tạm thời cho đảng viên A nhưng đảng viên A không tham gia sinh hoạt đảng và không đóng đảng phí 04 tháng liên tục trong năm mà không có lý do chính đáng. Như vậy, khi xem xét, xử lý kỷ luật thì cấp ủy nơi đảng viên A sinh hoạt đảng tạm thời có được xóa tên đảng viên A trong danh sách đảng viên hay không?
Trả lời:
Tại khoản 1, Điều 8, Điều lệ Đảng quy định:
“ Đảng viên bỏ sinh hoạt chi bộ hoặc không đóng đảng phí ba tháng trong năm mà không có lý do chính đáng; đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, không làm nhiệm vụ đảng viên, đã được chi bộ giáo dục mà không tiến bộ thì chi bộ xem xét, đề nghị lên cấp có thẩm quyền xóa tên trong danh sách đảng viên”
Tại khoản 2.4, Điều 13, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định:
“ Đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời, nếu vi phạm kỷ luật thì cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt tạm thời có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật tới mức cảnh cáo. Sau khi xử lý kỷ luật phải thông báo bằng văn bản cho cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt chính thức biết”
Tại Tiết 4.5, Điểm 4, Mục III, Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 9 tháng 12 năm 2021 của Ban Bí thư hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28 tháng 7 năm 2021, của Ban chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định:
“ Trường hợp phải xử lý kỷ luật ở mức cao hơn hình thức cảnh cáo thì cấp ủy nơi đảng viên sinh hoạt tạm thời phải thông báo bằng văn bản nội dung, tính chất, mức độ, tác hại và nguyên nhân vi phạm, đề xuất hình thức kỷ luật để cấp ủy quản lý đảng viên đó xem xét, quyết định xử lý kỷ luật; đồng thời báo cáo với cấp ủy cấp trên có thẩm quyền của tổ chức đảng nơi quản lý chính thức đảng viên đó biết và chỉ đạo”.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, cấp ủy nơi đảng viên A sinh hoạt đảng tạm thời chỉ có thẩm quyền xem xét, kỷ luật đảng viên A tới mức cảnh cáo, sau đó thông báo bằng văn bản cho cấp ủy nơi đảng viên A sinh hoạt chính thức biết; cấp ủy nơi đảng viên A sinh hoạt tạm thời không có thẩm quyền xóa tên đảng viên. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục xóa tên đảng viên thực hiện theo quy định của điều lệ Đảng.
(Nguồn:Tạp chí Kiểm tra Trung ương tháng 9 năm 2023)