Đạo đức công vụ là những chuẩn mực đạo đức của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, là “ gốc” để tạo nên phẩm chất, nhân cách của một con người. Đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ cán bộ Ngành Kiểm tra Đảng nói riêng là yếu tố quan trọng để xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, có ý nghĩa rất quan trọng đối với cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đạo đức công vụ là những nguyên tắc, quy định đặt ra cho cán bộ, đảng viên không những phải thực hiện nghiêm túc mà còn phải tự giác điều chỉnh thái độ, hành vi trong quan hệ với cấp trên, đồng nghiệp và nhân dân, góp phần cũng cố, giữ vững và tăng lên uy tín, niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ cán bộ Ngành Kiểm tra Đảng nói riêng là hoạt động tích cực, chủ động của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm các nhiệm vụ đề ra được hoàn thành tốt, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao hơn của tình hình thực tiễn đặt ra. Từ thực tế và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Ủy ban Kiểm tra Quận ủy nhận thấy, cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng phải có trách nhiệm nâng cao đạo đức công vụ, khép mình vào nguyên tắc tổ chức đảng, phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, nghiêm cấm các hành vi tham nhũng, tiêu cực như: Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy chế, quy định, quy trình nghiệp vụ dẫn đến việc làm không đúng với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm trên là do:
+ Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực chất, hiệu quả, thiết thực và cụ thể, còn mang tính hình thức;
+ Tính chiến đấu, ý chí, bản lĩnh nghề nghiệp của một số Ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra chưa cao, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm trong thực hiện nhiệm vụ;
+ Một số cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra nhận thức chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của đạo đức công vụ;
+ Một bộ phận cán bộ kiểm tra vẫn còn thiếu ý thức tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống, thiếu tự giác trong phê bình và tự phê bình….
Vì vậy, việc coi trọng và nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ cán bộ Ngành kiểm tra Đảng nói riêng góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường, thịnh vượng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là rất cần thiết.
Để thực hiện có hiệu quả nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ làm công tác kiểm tra Đảng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:
Thứ nhất, mỗi cán bộ kiểm tra phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh, chính kiến, khách quan, cẩn trọng trước mọi cám dỗ trong thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra Đảng. Khi đã nhận thức được tầm quan trọng của đạo đức công vụ thì cán bộ kiểm tra cần tích cực, chủ động đặt mình vào tổ chức, vào kỷ cương, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ hai, cán bộ kiểm tra phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra cấp mình về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Thứ ba, tổ chức phát động phong trào thi đua trong Ngành Kiểm tra Đảng để tạo không khí làm việc khẩn trương, tích cực, trách nhiệm. Đạo đức công vụ được cán bộ kiểm tra thẩm thấu và lan tỏa trong thực tiễn khi họ được đặt trong những tình huống cụ thể, vào những mối quan hệ thường xuyên, hằng ngày, được phản ánh sinh động qua các phong trào thi đua yêu nước giữa các cơ quan, đơn vị, giữa đội ngũ cán bộ kiểm tra. Cần hướng vào những nội dung còn thiếu, còn yếu từ đó đề ra những cách thức, biện pháp để nâng cao đạo đức công vụ.
Thứ tư, tăng cường sự nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực thi đạo đức công vụ. Vai trò của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trong việc thực hiện đạo đức công vụ là vô cùng quan trọng, cần phải chịu trách nhiệm tổng thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ trong cơ quan, đơn vị, địa phương của mình; tiên phong đi đầu trong việc nêu cao đạo đức công vụ để các cán bộ cấp dưới học tập, làm theo. Đề xuất khen thưởng kịp thời nhằm nhân rộng, phát huy các gương điển hình của những tập thể, cá nhân thực hiện tốt đạo đức công vụ.
Thứ năm, đề cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức công vụ để từng bước hoàn thiện, nâng cao năng lực công tác của cán bộ kiểm tra. Đạo đức công vụ của cán bộ kiểm tra phải được thực hiện qua những công việc cụ thể hằng ngày. Tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự nâng cao đạo đức công vụ cần được cán bộ kiểm tra chủ động kế thừa, tiếp thu ở những môi trường, điều kiện khác nhau; tự giác trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Những thành tựu của đất nước sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, những tệ nạn xã hội, những thói hư, tật xấu sẽ dần bị loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội, nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ kiểm tra nói riêng thường xuyên nâng cao đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ trong quá trình phục vụ nhân dân và xây dựng đất nước./.
(Nguồn:Tạp chí Kiểm tra Trung ương tháng 12 năm 2023)