Tại Thành phố Hồ Chí Minh, công tác tuyên giáo như là “đòn bẩy” để góp phần thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ chính trị, xã hội mà Đảng bộ Thành phố đã đề ra. Công tác tuyên giáo không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, mà còn hỗ trợ việc triển khai các chính sách và nghị quyết của Đảng một cách toàn diện và đồng bộ, từ đó đáp ứng hiệu quả hơn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước…
Nhiều thách thức ngày càng cao và gay gắt
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ngành tuyên giáo Thành phố ngoài tiếp tục bám sát thực tế cuộc sống; đổi mới toàn diện phương thức và nội dung hoạt động; nâng cao tính chiến đấu, thuyết phục và hiệu quả của công tác tư tưởng; cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng; phương pháp làm việc khoa học; phải luôn hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân là hết sức cấp thiết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên giáo cũng đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng cao và gay gắt, đó là giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định, tận dụng cơ hội, đối mặt và vượt qua thách thức, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Ngoài ra, diễn biến của những mặt trái cơ chế thị trường, nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế rút ngắn khoảng cách phát triển so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, sự chống phá của các thế lực thù địch, những khuynh hướng trái chiều trong tư tưởng chính trị, đạo đức, trong chống “diễn biến hòa bình” và trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Vì vậy, một trong những giải pháp của ngành tuyên giáo Thành phố là chú trọng việc đào tạo và nâng cao kỹ năng “thực chiến” cho cán bộ tuyên giáo là một yêu cầu cấp thiết. Cụ thể, việc tổ chức các khóa đào tạo và tập huấn về kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, và phân tích thông tin là rất quan trọng. Việc rèn luyện kỹ năng “nghe kỹ, nghĩ nhanh, viết rành, nói giỏi” sẽ không chỉ cải thiện khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin mà còn nâng cao hiệu quả trong việc triển khai và giám sát các hoạt động tuyên truyền, giúp cho các tầng lớp nhân dân hiểu đúng và thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách đó.
Bên cạnh đó, cần nâng cao hiểu biết về các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa cho người làm công tác tuyên giáo khi về với cơ sở. Một sự am hiểu sâu rộng và toàn diện về các lĩnh vực này là hết sức quan trọng, vì qua đó giúp trang bị cho cán bộ tuyên giáo khả năng phân tích và đánh giá tình hình thực tế với độ chính xác cao hơn. Hiểu biết sâu sắc về các xu hướng và nhu cầu của cộng đồng sẽ giúp cán bộ tuyên giáo đề xuất những giải pháp phù hợp và khả thi, phản ánh đúng tình hình và yêu cầu của thực tiễn tồn động; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; hỗ trợ việc triển khai các chính sách và nghị quyết của Đảng một cách toàn diện và đồng bộ, từ đó đáp ứng hiệu quả hơn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đất nước.
Các cá nhân được trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tuyên giáo” chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tich lịch sử Chiến khu rừng Sác, huyện Cần Giờ (ngày 28/07/2023). (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)
Một giải pháp quan trọng khác là cần xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc trực tiếp giữa cán bộ tuyên giáo và người dân cũng là một biện pháp hữu hiệu để tăng cường sự kết nối và tương tác. Các kênh thông tin như ứng dụng di động, website, hay các nhóm mạng xã hội không chỉ giúp cán bộ tuyên giáo thu thập thông tin một cách nhanh chóng và chính xác mà còn khuyến khích người dân tham gia vào việc cung cấp thông tin và phản hồi về các vấn đề xã hội, kinh tế tại địa phương. Đây chính là nền tảng để xây dựng mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa cán bộ tuyên giáo và nhân dân - thông tin 2 chiều, tạo sự tương hỗ bền vững.
Khuyến khích "người dân làm tuyên giáo"
Ngoài ra, giải pháp để công tác tuyên giáo Thành phố đạt hiệu quả là sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, hội, nhóm tại địa phương sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ đắc lực cho công tác tuyên truyền, giáo dục và hỗ trợ cộng đồng. Việc tạo điều kiện để các tổ chức này có thể đóng góp ý kiến và tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai các chính sách tuyên giáo sẽ góp phần nâng cao tính thực tiễn và hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền.
Một giải pháp nữa là ứng dụng công nghệ thông tin - chuyển đổi số trong ngành tuyên giáo cần phải được xem trọng. Đây không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết. Nó còn phù hợp với sự phát triển hướng tới mô hình chính quyền số hiện đại, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý Nhà nước mà lãnh đạo Thành phố chỉ đạo, triển khai. Sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để kết nối và tương tác với người dân, như tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến, phát sóng trực tiếp các sự kiện tuyên truyền, sẽ giúp cán bộ tuyên giáo tiếp cận “thăm dò” và lắng nghe ý kiến của nhân dân một cách nhanh chóng và chính xác. Việc xây dựng các ứng dụng di động giúp cán bộ tuyên giáo cập nhật và theo dõi tình hình thực tế tại địa phương cũng là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo.
Cùng với đó, việc tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao tại cơ sở không chỉ thu hút sự tham gia của người dân mà còn tạo điều kiện để người dân thể hiện và phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó. Đồng thời, phát huy vai trò của các hội, câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ quần chúng trong việc tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng cũng là một hướng đi cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác tuyên giáo.
Về chiều ngược lại, ngành tuyên giáo Thành phố nên khuyến khích "Người dân làm tuyên giáo". Việc làm này không chỉ giúp lan tỏa thông tin một cách hiệu quả mà còn tạo ra một cộng đồng tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Người dân không chỉ là đối tượng nhận thông tin mà còn trở thành những người tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và lan tỏa các giá trị tốt đẹp, góp phần vào sự thành công của thành phố trên mặt trận tư tưởng.
Đáng chú ý, thông qua các cuộc thi, viết bài, làm video và thiết kế poster… về các chủ đề tuyên truyền như: bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương... Những sản phẩm xuất sắc sẽ được phát hành trên các phương tiện truyền thông của thành phố và các kênh mạng xã hội, phát huy vai trò nhân rộng cái đẹp, dẹp cái xấu, hình thành phong trào nêu gương người tốt việc tốt, nâng cao vai trò sống đẹp, phát huy giá trị nghĩa tình của người Gia Định - Sài Gòn - TPHCM.
Việc tạo ra các diễn đàn trực tuyến và offline để người dân chia sẻ câu chuyện, ý kiến và kinh nghiệm cá nhân về các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị cũng sẽ giúp tăng cường trao đổi thông tin và học hỏi lẫn nhau. Và để thực hiện việc này, các khóa đào tạo và hướng dẫn kỹ năng viết, quay phim, chụp ảnh và sử dụng mạng xã hội sẽ được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia truyền thông, những người làm công tác tuyên truyền phù hợp ở từng lĩnh vực.
Một giải pháp nữa là tăng cường phối hợp giữa các tổ chức xã hội và doanh nghiệp để tạo ra các dự án cộng đồng cũng là một cách hiệu quả để huy động sự tham gia rộng rãi của người dân. Ngoài ra, các đội tình nguyện viên tuyên giáo tại các khu dân cư, trường học và cơ quan, tổ chức sẽ đóng vai trò cầu nối giữa cơ quan tuyên giáo và người dân, thu thập thông tin và phản hồi từ cơ sở hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, cần tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Zalo… để phát hành và lan tỏa các sản phẩm tuyên truyền do người dân thực hiện cũng sẽ thu hút sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân, đặc biệt là thanh niên. Việc khuyến khích "người dân làm tuyên giáo" không chỉ giúp lan tỏa thông tin hiệu quả mà còn tạo ra một cộng đồng tích cực, chủ động và trách nhiệm, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố. Điều này đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực từ phía cán bộ mà còn sự tham gia tích cực và chủ động của người dân, tạo nên một trường liên kết mạnh mẽ, đồng lòng trên cùng một mục tiêu.
Quan tâm việc khen thưởng và tôn vinh
Để thực hiện hiệu quả các đề xuất trong công tác tuyên giáo tại Thành phố, việc huy động nguồn kinh phí là điều thiết yếu và cần được gắn kết chặt chẽ với Nghị quyết 98/2023/QH15 và mục tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố đã đề ra.
Trước hết, ngân sách từ thành phố và các quận, huyện nên được phân bổ cho các hoạt động tuyên truyền, từ việc tổ chức hội thảo đến phát triển ứng dụng mạng xã hội và các sự kiện cộng đồng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân mà còn phù hợp với định hướng của Nghị quyết 98/2023/QH15 về phát triển đô thị thông minh và nâng cao chất lượng sống. Việc tìm kiếm tài trợ từ doanh nghiệp và tổ chức xã hội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các dự án tuyên giáo, giúp xây dựng nền tảng xã hội vững mạnh và khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào công tác tuyên truyền.
Thành phố cũng cần tận dụng các nguồn kinh phí từ quỹ đầu tư phát triển và quỹ nghiên cứu để hỗ trợ các dự án đổi mới trong công tác tuyên giáo. Những biện pháp này sẽ không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn phù hợp với mục tiêu của Đại hội Đảng bộ Thành phố về phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ công cộng, tạo ra sự đồng thuận và gắn kết mạnh mẽ giữa cán bộ tuyên giáo và người dân trong việc xây dựng một Thành phố vững mạnh, phát triển và nghĩa tình.
Đồng thời, quan tâm việc khen thưởng và tôn vinh những cá nhân, tập thể có đóng góp xuất sắc trong công tác tuyên giáo phải kịp thời.
Có thể khẳng định, những hình thức khen thưởng không chỉ động viên tinh thần của cán bộ tuyên giáo, “người dân làm tuyên giáo” mà còn tạo động lực để họ tiếp tục phát huy tốt nhất khả năng và đóng góp của mình vào công tác tuyên truyền và xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, góp phần đưa hệ tư tưởng Hồ Chí Minh khẳng định dân là gốc của nước, của cách mạng vào công tác đào tạo cán bộ nguồn cho Đảng và cho đất nước…
Tác giả: Việt Phan - Cao Minh
(Bài viết được đăng trên trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày vào ngày 30 tháng 7 năm 2024)