Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều tác phẩm đề cập vấn đề đạo đức cách mạng. Chẳng hạn, “Đường kách mệnh” (năm 1927), “Sửa đổi lối làm việc” (1947), “Đạo đức cách mạng” (1955 và 1958), “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969), “Di chúc” (1969)... Điều đó cho thấy đạo đức cách mạng là một chủ đề được Bác Hồ đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, Đảng ta đã không ngừng có nhận thức mới về vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức và đã cụ thể hóa thành các văn bản, chỉ đạo sát thực. Đại hội XII của Đảng đã tách nội dung xây dựng Đảng về đạo đức thành một mặt độc lập cùng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và xây dựng tổ chức trong tổng thể công tác xây dựng Đảng.
Đặc biệt trong hơn 2 nhiệm kỳ qua, các quy định về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hiện nêu gương đã được ban hành một cách có hệ thống. Từ sau Đại hội XIII của Đảng, Trung ương tiếp tục ban hành nhiều quy định mới có liên quan đến nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Như vậy, những nội dung, định hướng về giáo dục đạo đức cách mạng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được quy định trong hàng loạt các văn bản của Đảng. Để kịp thời cập nhật, bổ sung theo hướng giúp cán bộ, đảng viên nắm và dễ thực hiện, ngày 9/5/2024 Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Để thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW, xin đề xuất một số giải pháp:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục. Các cấp ủy nên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm triển khai các khóa học về đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; lồng ghép nội dung về đạo đức cách mạng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, cập nhật kiến thức; tăng cường các buổi báo cáo chuyên đề, như về đạo đức công vụ, vấn đề nêu gương, đạo đức nghề nghiệp…, bên cạnh nội dung chuyên đề hằng năm theo Chỉ thị 05-CT/TW...
Nên sử dụng đa dạng hình thức tuyên truyền, thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, tổ chức hội thảo, tọa đàm… Đặc biệt, với nội dung này cần thực hiện phương thức “mưa dầm thấm sâu” chứ không nên tiến hành ồ ạt, đại trà sau đó dừng lại. Các cấp ủy nên triển khai bằng nhiều hình thức đồng bộ, có tính điểm rơi hợp lý, với những đối tượng và nội dung phù hợp…, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên một cách sâu sắc, bền vững về vấn đề này.
Thứ hai, xây dựng chương trình hành động cụ thể. Các tổ chức đảng cần xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng để triển khai các chuẩn mực đạo đức, gắn với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị của mình. Chẳng hạn, trên cơ sở của Chỉ thị số 05-CT/TW, Quy định số 144-QĐ/TW, các cấp ủy cần cụ thể hóa thành các tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên của mình, để việc thực hiện, thực hành đạo đức của các nhóm đảng viên ở môi trường công tác khác nhau sẽ có những tiêu chí khác nhau.
Cần có sự thống nhất tiêu chí đánh giá, nhất là ở cấp độ toàn Đảng bộ thành phố hoặc cấp quận huyện và tương đương. Trong phạm vi đó, có thể đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về đạo đức để đánh giá cán bộ, đảng viên. Thí dụ, tại quận A, quận ủy xây dựng tiêu chí đánh giá chung của toàn đảng bộ bám sát các hướng dẫn của Thành ủy, để làm cơ sở các tổ chức đảng cơ sở căn cứ và xây dựng tiêu chí riêng theo đặc thù của mình. Làm được như vậy, khi đánh giá sẽ không có sự khác biệt lớn giữa các cơ sở đảng trong cùng đảng bộ quận.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát. Định kỳ hoặc đột xuất, cần kiểm tra việc thực hiện quy định và đạo đức của cán bộ, đảng viên. Qua đó, chấn chỉnh ngay các biểu hiện chưa phù hợp, lệch lạc hoặc có thể điều chỉnh các quy định, chỉ đạo, định hướng, đồng thời cũng có thể xử lý kịp thời các vấn đề mới phát sinh. Việc kiểm tra cần được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ cả ở khâu triển khai, chỉ đạo, thực hiện, xử lý vi phạm… của cấp ủy cấp dưới đối với các đơn vị trực thuộc cùng cán bộ, đảng viên trong phạm vi quản lý.
Các cấp ủy cần có cơ chế phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm chuẩn mực đạo đức. Trong đó, cần quan tâm các hành vi vi phạm tiêu chí liên quan đến uy tín, hình ảnh của người đảng viên trong quan hệ với nhân dân, trong xây dựng chuẩn mực đạo đức cá nhân, các hành vi liên quan đến tham nhũng…
Thứ tư, gắn vấn đề đạo đức với công tác cán bộ. Các cấp ủy, cơ quan tham mưu cấp ủy về công tác tổ chức, cán bộ nên quan tâm lựa chọn cán bộ theo tiêu chí đạo đức và đánh giá đạo đức là một trong những tiêu chí quan trọng trong công tác cán bộ. Các trường hợp từng vi phạm về đạo đức hoặc có dư luận không tốt về đạo đức cần được cân nhắc thận trọng khi bổ nhiệm, đề bạt. Đồng thời, chú trọng yếu tố đạo đức nhưng không có nghĩa là xem nhẹ các yếu tố khác, nhất là trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay rất cần sự đổi mới, sáng tạo, đột phá ở cán bộ lãnh đạo.
Từ đó, khuyến khích cán bộ rèn luyện phẩm chất đạo đức và định kỳ xem xét, đánh giá sự rèn luyện đó bằng các tiêu chí cụ thể. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện, nhất là các hoạt động hướng về cộng đồng, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong cơ quan, tại nơi cư trú...
Thứ năm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Cấp ủy cần có cơ chế và xây dựng mối quan hệ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị - xã hội để giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là ở nơi cư trú. Bên cạnh đó, việc đề cao vai trò và trách nhiệm của cấp ủy nơi cư trú đối với đảng viên đang sinh sống trên địa bàn là rất cần thiết để chỉ rõ những trường hợp đảng viên có các biểu hiện chưa phù hợp về chuẩn mực đạo đức tại địa bàn dân cư. Nếu thực hiện tốt điều này, các trường hợp đảng viên sống xa hoa, hoang phí, cách biệt với nhân dân hoặc có hành vi tham nhũng có thể bị phát hiện và xử lý kịp thời.
Có thể nói, việc đề ra giải pháp thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW cần gắn chặt chẽ với điều kiện cụ thể của các địa phương, đơn vị và chú ý tính thời điểm sẽ giúp nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Bản thân Quy định số 144-QĐ/TW tuy đã nêu khá rõ nội hàm của 5 điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng, với 19 tiêu chí để đánh giá việc thực hiện các chuẩn mực này, gắn với 5 mối quan hệ và các nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các mối quan hệ đó nhưng vẫn cần được triển khai cụ thể ở các tổ chức đảng, các địa phương, đơn vị. Việc thực hiện nghiêm túc Quy định này và các hướng dẫn của cấp ủy các cấp có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng tổ chức đảng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Vân Tâm