Câu 1:
Hỏi:
Đồng chí A là chi ủy viên, có vi phạm phẩm chất chính trị phải thi hành kỷ luật. Chi bộ (có 15 đảng viên chính thức) họp biểu quyết kỷ luật, kết quả có 10 phiếu đề nghị khai trừ, số còn lại đề nghị hình thức cách chức hoặc cảnh cáo. Chi bộ làm văn bản báo cáo đề nghị cấp có thẩm quyền khai trừ đồng chí A ra khỏi Đảng. Vậy, đề nghị của chi bộ có đúng không? Nếu không phải làm thế nào?
Trả lời:
Tại điểm 1.1 khoản 1 Điều 11, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đăng quy định: "Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao)...
- Việc cách chức, khai trừ cấp ủy viên của chi bộ cơ sở do chi bộ cơ sở đề nghị, Ban Thường vụ Quận ủy hoặc tương đương quyết định".
- Tại khoản 2 và điểm 3.3 khoản 3 Điều 15, Quy định số 22-QĐ/TW quy định: "2. Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định kỷ luật của cấp mình thì đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.
3.3. Trường hợp khai trừ đảng viên phải được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó nhất trí đề nghị và được sự nhất trí của trên một nửa số thành viên tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định".
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, việc đồng chí A vi phạm phẩm chất chính trị, sau khi chi bộ họp biểu quyết, có 10/15 phiếu (đạt 2/3 số đảng viên chính thức trong chi bộ) nhất trí đề nghị hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí A và chi bộ làm văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định khai trừ đồng chí A ra khỏi Đảng là đúng quy định.
(Nguồn: Tạp chí Kiểm tra Trung ương tháng 8 năm 2024, trang 73)
Câu 2:
Hỏi: Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy nhận được nhiều đơn tố cáo nặc danh đối với đồng chí A là Đảng ủy viên, Bí thư Chi bộ vi phạm ở nhiều lĩnh vực. Căn cứ nội dung tố cáo, Ủy ban Kiểm tra không thực hiện quy trình giải quyết tố cáo mà quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí đó. Vậy, việc Ủy ban Kiểm tra quyết định kiểm tra như vậy có đúng không?
Trả lời:
Tại điểm 2.10 khoản 2 Mục IV, Hướng dẫn số 02-HD/TW, ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định: "Đơn tố cáo nặc danh, giấu tên, mạo tên có nêu cụ thể địa chỉ, đối tượng bị tố cáo, có nội dung rõ ràng thì tổ chức đảng có thẩm quyền giao nắm tình hình để kiểm tra hoặc giám sát chuyên đề".
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy chỉ đạo nắm tình hình, thấy có căn cứ xem xét, quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí A là đúng quy định.
(Nguồn: Tạp chí Kiểm tra Trung ương tháng 8 năm 2024, trang 74, 75)