Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
3
2
6
0
8
Sổ tay Đảng viên 31 Tháng Bảy 2020 10:50:00 SA

Hướng dẫn thực hiện nội dung “6 không” trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”năm 2020 (Theo Hướng dẫn số 22-HD/BDV ngày 02 tháng 3 năm 2020 của Ban Dân vận Quận ủy)

 

1. Không để người nghèo, người yếu thế tụt hậu, bị bỏ quên

        - Các cấp ủy, chính quyền tiếp tục đẩy nhanh việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó, tập trung vào 03 nhóm chính sách: (1) Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; (2) Hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều, như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; (3) Phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao.

       - Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cần quan tâm tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, nhằm tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

       - Chủ động tìm kiếm việc làm cho thanh niên khuyết tật có kiến thức, tay nghề cao nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị mạng, thiết kế, đồ họa, thời trang,…sản phẩm tiêu dùng có giá trị cao.

        - Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở phường, xã – thị trấn, đặc biệt là các xã nghèo trên địa bàn thành phố. Gắn kết thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tạo diều kiện cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của Chương trình.

        - Duy trì hoạt động chăm lo hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, như hỗ trợ việc làm, vay vốn, đào tạo nghề, trao tặng phương tiện sinh kế...; khảo sát, lập danh sách cụ thể nhu cầu các hộ nghèo để có phương án hỗ trợ thiết thực, phù hợp.

         Các cấp ủy, đơn vị tăng cường các hoạt động thăm hỏi, chăm lo các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu học tập, lao động để thoát nghèo; tiến tới Đại hội Đảng các cấp, từng chi bộ đăng ký chỉ tiêu về hỗ trợ, chăm lo cho ít nhất 01 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

          - Quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các xã xây dựng nông thôn mới, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ” theo quy định; khuyến khích đẩy mạnh phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm theo tinh thần phát huy dân chủ ở xã – phường – thị trấn (Pháp lệnh 34), áp dụng cơ chế đặc thù đối với một số dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của nhân dân.

2. Không gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp

- Tuyên truyền, giáo dục nhận thức về công tác dân vận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố, nhất là giáo dục đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân; phấn đấu mỗi cán bộ, công chức, viên chức là một cán bộ dân vận khéo trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân, trong tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính gắn với thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân, tổ chức ngày càng tốt hơn.

- Tập trung giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn, không gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao tỷ lệ đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

+ Rà soát các quy định, thủ tục hành chính không phù hợp gây bức xúc, khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ. Công bố, cập nhật, niêm yết công khai, kịp thời, đầy đủ, cụ thể các quy định, quy trình về thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức thiết thực, thích hợp. Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, dịch vụ công và các thủ tục hành chính liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp[1].

+ Thực hiện tốt các quy trình phối hợp các sở, quận, huyện giải quyết các thủ tục hành chính đã công bố; tiếp tục xây dựng các quy trình liên thông, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn thành phố nhằm hạn chế việc người dân, doanh nghiệp phải nộp nhiều loại giấy tờ, ảnh hưởng thời gian và nguồn lực của người dân, doanh nghiệp, xã hội, mặt khác từng bước khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, công khai hóa và đơn giản hóa thủ tục hành chính.

+ Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ; đẩy mạnh công tác giáo dục cán bộ, công chức, viên chức trong từng khâu của các cơ quan hành chính; kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức nhà nước quan liêu, nhũng nhiễu và có năng lực, phẩm chất kém.

+ Xây dựng cơ chế để người dân, tổ chức, doanh nghiệp được giám sát, chấm điểm, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức[2]; khi bị phiền hà, hạch sách, nhũng nhiễu thì có nơi để trình bày và những phản ánh được lắng nghe, giải quyết.

- Thực hiện nghiêm túc thư cảm ơn, thư xin lỗi.

+ Thường xuyên quán triệt tinh thần cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức thực hiện việc xin lỗi vì không đúng hẹn thể hiện tính văn minh công vụ, tinh thần trách nhiệm của cơ quan cung cấp thủ tục hành chính.

+ Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nghiêm túc thư cảm ơn, thư xin lỗi; áp dụng biện pháp hành chính, xử lý kỷ luật, chuyển vị trí công tác, thậm chí buộc thôi việc… đối với cán bộ, công chức, viên chức vì nguyên nhân chủ quan không làm hết trách nhiệm, lợi dụng vị trí công tác để nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.

- Xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức thân thiện, có trách nhiệm với nhân dân.

+ Thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, văn hoá công sở, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử, phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, hiệu quả” trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

+ Thay đổi, bố trí, sắp xếp lại nơi làm việc của bộ phận tiếp nhận và giao trả kết quả hồ sơ, nơi tiếp công dân, tiếp khách đảm bảo khang trang, sạch đẹp; công khai chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức để nhân dân giám sát.

+ Duy trì và phát huy các hoạt động tư vấn thủ tục hành chính; các công trình thanh niên cải tiến, rút ngắn quy trình xử lý văn bản; phong trào nụ cười thân thiện; mô hình làm việc ngày thứ bảy tình nguyện…

+ Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, chú trọng phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ quan nhà nước.

3. Không xả rác bừa bãi ra đường phố và kênh rạch

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp cụ thể hóa Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường phố và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng “Phường không xả rác ra đường và kênh rạch”;  “Khu phố sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, không thả vật nuôi phóng uế bừa bãi, hạn chế sử dụng túi ni-lông, thường xuyên khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý chất thải; tăng cường tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không xả rác nơi công cộng; tăng cường các phương tiện, điều kiện thu gom rác đạt hiệu quả; thực hiện ký kết và vận động các hộ dân cam kết giữ gìn vệ sinh tại những nơi tự phát tập kết rác đã thu gom, xử lý sạch đẹp; kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình thực hiện tốt phong trào vận động nhân dân không xả rác ra đường phố và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước, vì khu phố, đường phố, công viên xanh - sạch - đẹp.

- Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong cơ quan hành chính, đơn vị sản xuất, địa điểm kinh doanh; từng chi bộ, cơ quan, đơn vị đăng ký các công trình, giải pháp cụ thể để tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn; cùng với chính quyền địa phương giữ gìn vệ sinh bên trong và bên ngoài trụ sở cơ quan, đơn vị.

- Vận động các chức sắc, chức việc trong tôn giáo cùng tham gia hưởng ứng với địa phương về tuyên truyền không xả rác ra đường phố, kênh rạch; hạn chế việc rải, đốt vàng mã.

- Các khu phố, phường phấn đấu và đạt tiêu chí “Khu phố sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, “Phường không xả rác ra đường và kênh rạch”; công sở “Văn minh, sạch đẹp, an toàn”; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm việc tuyên dương và phát động, nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của người dân nói không với xả rác ra đường phố và kênh rạch.

4. Không vi phạm luật giao thông đường bộ

Xây dựng hình ảnh người dân thành phố văn minh, hiện đại, nói không với vi phạm luật giao thông, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông, tập trung tuyên truyền, vận động, phát hiện mô hình, cách làm hay:

- Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ và tránh các vi phạm giao thông như: phóng nhanh, vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, đi ngược chiều, chạy xe trên lề đường, sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, dừng đỗ xe không đúng nơi quy định; biết xin lỗi, cảm ơn khi có va quẹt với tinh thần thượng tôn pháp luật; không bấm còi xe inh ỏi, không chen lấn tại những đoạn đường đông đúc…

- 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động cơ quan, đơn vị đăng ký và thực hiện không vi phạm luật giao thông.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm, hạn chế ùn tắc giao thông, trong đó có việc xây dựng các đội hình tình nguyện ra quân tham gia điều tiết giao thông 02 tháng cao điểm (tháng 3 và tháng 9) vào giờ cao điểm, phát động nét đẹp văn hóa giao thông như “Đi đúng đường, dừng đúng vạch”, chấp hành các hiệu lệnh biển báo, đèn giao thông...

Đảng ủy phường  chỉ đạo cơ quan chính quyền cùng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận động các hộ dân thực hiện các bảng cam kết chấp hành an toàn giao thông, vận động các thành viên trong gia đình có hành vi đúng khi tham gia giao thông; duy trì việc sinh hoạt tổ dân phố kết hợp giáo dục, nhắc nhở thanh thiếu niên tại địa phương không tham gia đua xe trái phép, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông.

5. Không tụ tập gây rối, ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn nơi cư trú và trên đường phố

- Có nhiều giải pháp khéo tuyên truyền giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội, công nhân, người lao động, người nhập cư, người nước ngoài cư trú tại Việt Nam… thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện các biện pháp chuyển hóa các địa bàn theo hướng giảm tội phạm, ma túy, mại dâm chuyển dần xây dựng địa bàn dân cư trong sạch, an toàn.

- Tăng cường nắm chắc tình hình nhân dân, kịp thời giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân, hoặc kịp thời phản ánh, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết, không để xảy ra tình hình phức tạp, điểm nóng khiếu nại, khiếu kiện tụ tập đông người. Nắm chắc và giải quyết kịp thời tình hình công nhân, người lao động, giải quyết kịp thời những bức xúc chính đáng, hợp pháp về chế độ tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, không để xảy ra đình công, ngừng việc, tranh chấp lao động tập thể tại đơn vị, địa phương.

- Thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội chăm lo người nghèo, các đối tượng xã hội; làm tốt công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi, vi phạm pháp luật để họ có cuộc sống ổn định, không bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động vi phạm pháp luật.

- Khéo trong việc thực hiện và việc phát huy lực lượng chính trị nòng cốt, cốt cán trong tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc tham gia vận động nhân dân đồng thuận với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các dự án gặp khó khăn, vướng mắc; tham gia hoà giải các mối quan hệ trong cộng đồng dân cư, các mối quan hệ liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo.

- Phối hợp xây dựng và phát huy hiệu quả lực lượng chính trị nòng cốt trong cộng đồng dân cư và trong doanh nghiệp có đông công nhân lao động; thông qua hoạt động của các phong trào và mô hình, điển hình như “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”… khơi dậy truyền thống yêu nước, phát huy tinh thần trách nhiệm, quyền làm chủ của nhân dân trong việc chấp hành pháp luật và tích cực tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

- Thực hiện hiệu quả các Nghị quyết liên tịch và Chương trình phối hợp giữa chính quyền với các tổ chức chính trị - xã hội và giữa các tổ chức chính trị - xã hội với lực lượng vũ trang; thực hiện tốt công tác dân vận nơi cơ quan trú đóng. 

     6. Không vi phạm trật tự xây dựng

 - Tổ chức quán triệt Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố; Nghị quyết số 30-NQ/QU ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Ban Thường vụ Quận ủy về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn quận và Thông tri số 36-TT/QU ngày 20 tháng 6 năm 2019 của Ban Thường vụ Quận ủy về công tác quan lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận, trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên không xây dựng không phép, sai phép và lập lại trật tự xây dựng trước Đại hội Đảng bộ các cấp.

    - Giám sát, quản lý địa bàn, kịp thời phát hiện và thông tin cho cơ quan chức năng những hành vi vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép; tổ chức và triển khai hiệu quả lực lượng kiểm tra hoặc phương tiện để giám sát chất lượng vệ sinh môi trường, hỗ trợ xử lý vi phạm hành chính về vệ sinh môi trường nơi công cộng. Định kỳ tổ chức giao ban về công tác lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn, giải quyết kịp thời vụ việc phát sinh; xử lí cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

     - Không để phát sinh công trình, nhà cửa lấn chiếm cửa xả, hố ga thoát nước và hệ thống sông, kênh, rạch.

   - Triển khai, duy trì hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về vệ sinh môi trường, trật tự xây dựng trên địa bàn và tỷ lệ giải quyết, xử lý thông tin phản ánh đạt từ 85% trở lên.

    - Thực hiện công trình, giải pháp, sáng kiến mang tính thiết thực, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, cơ quan, đơn vị (đối với xã hội, cải thiện vệ sinh môi trường, phục vụ cộng đồng, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường...)

    - Quán triệt và yêu cầu mỗi đảng viên, cán bộ không chuyên trách, công chức, viên chức; đoàn viên, hội viên cam kết với tổ chức nơi sinh hoạt và cơ quan, đơn vị nơi công tác không vi phạm pháp luật về đất đai, quy hoạch và xây dựng; giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch; đưa vào tiêu chí đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên gắn với trách nhiệm cá nhân để xảy ra xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn, khu vực được phân công giám sát, quản lý.



[1] Cán bộ, công chức, viên chức các sở - ban - ngành, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính sự nghiệp quán triệt tinh thần phục vụ nhân dân, hạn chế tình trạng: không giải thích rõ các quy trình, quy định; cố tình bắt lỗi người dân, doanh nghiệp; cố tình kéo dài thời gian giải quyết công việc hay chỉ nhiệt tình phục vụ khi có “bôi trơn”, “biết ý”, “chung chi”...

  Cán bộ quản lý, bác sĩ, y tá, hộ lý... các cơ sở khám, chữa bệnh đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh, khắc phục tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân xếp hàng dài, các yêu cầu về tạm ứng viện phí lắt nhắt, chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không theo đơn, không có đơn, lạm dụng sử dụng thuốc kháng sinh; không để tiêu cực về độc quyền cung cấp dịch vụ hậu cần bệnh viện như xe cứu thương, xe taxi, dịch vụ ăn uống...

  Ban Giám hiệu các trường học, cơ sở giáo dục tập trung chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng chạy trường, chạy lớp, nâng điểm; khắc phục tình trạng lạm thu đầu năm học gây khó khăn cho phụ huynh học sinh...

[2] Đa dạng các hình thức đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ công, việc tiếp nhận và giao trả hồ sơ nhiệt tình, đúng hẹn; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo thực hiện thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức.


Số lượt người xem: 1072    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày