1. Vai trò của công tác tuyên truyền, cổ động
Tuyên truyền, cổ động là những bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng. Trong điều kiện bùng nổ thông tin, công tác tuyên truyền, cổ động càng trở nên quan trọng, góp phần định hướng thông tin, làm cho cán bộ đảng viên và quần chúng Nhân dân tiếp nhận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách đầy đủ, đúng đắn.
Vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, cổ động tập trung ở các khía cạnh sau:
- Công tác tuyên truyền, cổ động là phương tiện quan trọng để phổ biến, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những vấn đề thời sự lớn của đất nước và quốc tế, những vấn đề mới đặt ra trong sự nghiệp đổi mới, qua đó nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; cổ vũ, động viên mọi người tích cực, tự giác thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị trong mỗi thời kỳ.
- Công tác tuyên truyền, cổ động là công cụ để nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng, hướng dẫn suy nghĩ và hành động của toàn xã hội; thúc đẩy, cổ vũ con người từ nhận thức lý luận đi đến hành động cách mạng.
- Công tác tuyên truyền, cổ động góp phần quan trọng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức; xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa.
- Công tác tuyên truyền, cổ động giúp phát huy vai trò làm chủ, tính tích cực, sáng tạo của quần chúng, trước hết là ở cơ sở trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
- Công tác tuyên truyền, cổ động góp phần tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, xây dựng khối đoàn kết thống nhất Đảng, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.
- Công tác tuyên truyền, cổ động là công cụ sắc bén trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc nảy sinh trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước.
2. Phương châm của công tác tuyên truyền, cổ động
2.1 Bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, phát huy tinh thần cách mạng của các tầng lớp Nhân dân
Nội dung công tác tuyên truyền, cổ động ở mỗi thời kỳ, thời điểm đều phải dựa vào nhiệm vụ chính trị của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của các cấp ủy cấp trên và phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị do cấp ủy cơ sở đề ra. Tuyên truyền, cổ động phải nhằm cũng cố, giữ vững lòng tin của quần chúng với Đảng, đẩy lùi được tâm trạng hoài nghi, hoang mang, dao động.
2.2 Công tác tuyên truyền, cổ động phải kịp thời, nhạy bén, nội dung chính xác, có tính chiến đấu cao
Phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề thời sự quốc tế, trong nước, địa phương cho các tầng lớp Nhân dân biết để làm theo. Nội dung tuyên truyền, cổ động phải đúng sự thực, không tô hồng, bôi đen, nhưng cũng không rơi vào chủ nghĩa tự nhiên, thiếu định hướng. Phải tỏ rõ chính kiến trước những sự kiện, hiện tượng tiêu cực của xã hội; phê phán, đấu tranh với luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, ảnh hưởng tới lợi ích của quốc gia, dân tộc.
2.3 Kết hợp tuyên truyền, cổ động nâng cao nhận thức tư tưởng với hướng dẫn hành động và cổ vũ phong trào
Mục tiêu của tuyên truyền, cổ động không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, mà từ nhận thức phải hướng quần chúng tới hành động cách mạng và phải tiếp tục cổ vũ cho phong trào cách mạng để thúc đẩy phong trào phát triển, mở rộng, lôi cuốn ngày càng đông đảo mọi người tham gia.
2.4 Kết hợp giữa biểu dương và phê phán
Biểu dương và phê phán là hai mặt không thể thiếu được trong tuyên truyền, cổ động. Hai mặt này gắn bó mật thiết với nhau, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhau. Khắc phục khuynh hướng chỉ nhấn mạnh một mặt, xem nhẹ mặt còn lại dẫn tới hạn chế hiệu quả công tác, thậm chí có thể gây ra phản tác dụng.
2.5 Tuyên truyền, cổ động phải cụ thể, thiết thực, sinh động
Để nội dung tuyên truyền, cổ động cụ thể, thiết thực, trước hết cần nắm vững tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để tuyên truyền đúng đối tượng. Trong tuyên truyền phải sử dụng cách nói dễ hiểu, đơn giản, bằng ngôn ngữ của quần chúng để nói với quần chúng, tránh từ hoa mỹ, trống rỗng. Sử dụng những hình thức phù hợp với đối tượng ở cơ sở. Những nhiệm vụ đặt ra phải cụ thể, thiết thực, quần chúng có thể làm được.
2.6 Phối hợp tốt các mặt hoạt động của công tác tuyên truyền, cổ động
Kết hợp các lực lượng và hình thức tuyên truyền. Kết hợp tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền theo chủ đề, từng thời gian. Kết hợp tuyên truyền với cổ động.