Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
8
8
3
1
6
7
Tuyên giáo 29 Tháng Mười Một 2023 5:00:00 CH

“Nhận diện và phòng, chống căn bệnh kiêu ngạo, công thần trong xây dựng và bảo vệ Đảng hiện nay”

 

Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: Đảng ra đời và phát triển không phải vì mục đích tự thân mà là vì độc lập cho Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân; đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ đều nhằm đưa lại lợi ích cho Nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải vừa là người lãnh đạo, đồng thời vừa là công bộc, đầy tớ cho nhân dân. Cá nhân và tập thể Đảng trở thành một khối vững chắc trong khi giải quyết tất cả mối quan hệ hằng ngày của đảng viên với tổ chức Đảng. Tự tách mình ra khỏi Đảng chính là biểu hiện đầu tiên của căn bệnh kiêu ngạo, công thần.

Hiện nay, phòng và chống bệnh kiêu ngạo, công thần cũng chính là xây dựng và bảo vệ Đảng. Do đó, cần nhận diện rõ căn bệnh này để có những giải pháp/biện pháp hiệu quả, toàn diện nhất. Đó là phòng, chống chủ nghĩa cá nhân; phòng, chống sự xa rời lợi ích của Đảng; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; xây dựng con người Việt Nam và môi trường văn hóa lành mạnh; thực hiện tốt nguyên tắc xây dựng Đảng.

Nhận diện bệnh kiêu ngạo, công thần

Từ cổ chí kim, bệnh kiêu ngạo, công thần thường gặp ở một số người trong bộ máy của hệ thống chính trị. Thì cũng có ít nhiều công trạng bây giờ người ta thể hiện ra chút vị thế “cân - đong - đo - đếm” về quan hệ trên-dưới, đồng hàng, đồng cấp với nhau trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của nước nhà xem ai hơn người ta, v.v. Đỏ ngực đeo đầy huân huy chương, nhưng đó là niềm tự hào tại sinh hoạt cộng đồng, nhất là mỗi khi có lễ trọng, chứ không phải kiêu ngạo, công thần. Còn kiêu ngạo, công thần lại khác. Kiêu ngạo, công thần có khi đó chỉ là hành động chỉ là cho oai, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Có khi đó là một tiếng nói rằng, sự việc đó ta biết, ta là người có công lớn giải quyết việc đó, ta là người chinh chiến dày dạn trận mạc, công trạng đầy mình, các ngươi lúc đó vắt mũi chưa sạch biết gì mà nói. Có khi đó là một cách “ra oai sấm sét” để đe nẹt những kẻ không ưa mình. Có khi đó là một cú nhắc nhở người trên mình rằng, ta là người có công trạng đấy, chớ có coi thường ta, mà phải cho ta hưởng bổng lộc, chức tước cao hơn chứ chức vụ bổng lộc hiện giờ của ta có thấm chi. Có khi đó là một tông/giọng cao đạo trong xã hội/cộng đồng nhưng kỳ thực là những biểu hiện của sự bất mãn, bất mãn vì ta đây có công trạng thế này mà chế độ nước nhà đối xử với ta bất công thế, v.v.

Bệnh kiêu ngạo, công thần không dung hợp với những biểu hiện của những người có tâm lành đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Những người thực sự có công đối với đất nước trong quá khứ như Nguyễn Trãi, Chu Văn An chẳng hạn thì không bao giờ kêu ca bởi sự đãi ngộ mà nước nhà dành cho mình. Có khi hiện tại các cụ gặp phải những cảnh tiêu cực, trớ trêu trong triều đình thì dâng sớ lên nhà vua đòi xử trảm một số kẻ coi trời bằng vung, những kẻ kiêu ngạo, những kẻ công thần, nịnh trên nạt dưới, đục khoét ngân khố quốc gia, những kẻ chuyên đi hối lộ và nhận hối lộ. Khi không được vua xem xét kiến nghị thì có chút bất mãn với nhà vua rồi xin về nghỉ hưu đọc sách ngâm thơ, vui thú điền viên hoặc về dạy học ở chốn thôn quê, nhưng lòng vẫn quặn đau lo cho nhà vua mắc mưu những kẻ xấu, lo cho cơ đồ giang sơn đất nước bị những kẻ xấu kiêu ngạo, công thần làm vấy bẩn, suy đồi, hủ bại. Những người như Nguyễn Trãi, Chu Văn An như thế quyết không phải là những người kiêu ngạo và công thần. Phân biệt ai là kiêu ngạo, công thần, ai là người có tâm lành với đất nước thì không khó. Nhưng, nhận biết được họ rồi để xử lý mới là khó. Xử lý không khéo là mất cán bộ-nói theo thuật ngữ xây dựng Đảng bây giờ. Xử lý để cho những kẻ kiêu ngạo, công thần đó kịp quay trở về với điều tốt, điều thiện để tu nhân tích đức, trở thành con người tốt, để họ nhận ra “quay đầu lại là bờ”... thì đây là mục tiêu và việc làm không đơn giản vì “bản tính khó dời”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, với kinh nghiệm, sự trải nghiệm dày dạn khi đối nhân xử thế đã có những lời gan ruột khi viết cho cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (viết năm 1947, bút danh XYZ), Người đã nêu ra nhiều căn bệnh nhất ở trong đội ngũ này, lý giải về chúng và nêu cả cách chữa. Đối với bệnh kiêu ngạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: Những người mắc bệnh kiêu ngạo là những người “Tự cao tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình. Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”. Còn đối với bệnh công thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rằng: “Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”.

Với hai đoạn trích dẫn Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây, cho thấy, kiêu ngạo và công thần trong cán bộ, đảng viên là hai bệnh sinh đôi, như hình với bóng; hai bệnh này không những hiển hiện cùng nhau mà còn liên quan đến các căn bệnh khác, như ham địa vị, hay lên mặt, thích người khác nịnh mình, hay mệnh lệnh, hay khoe khoang, ngang tàng, không giữ kỷ luật...Chung quy lại, như Chủ tịch Hồ Chí Minh “gói” vào, đó là do “bệnh mẹ” sinh ra: đó là chủ nghĩa cá nhân, không thực hiện chí công vô tư. Người viết: “Trong Đảng ta còn có những người chưa học được, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, cho nên mắc phải chứng chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân như một thứ vi trùng rất độc, do đó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm”3. Còn như V.I.Lênin, ông nối thêm hai chữ “cộng sản” vào vế sau hai chữ “kiêu ngạo” thành một thuật ngữ “kiêu ngạo cộng sản”, muốn để chỉ rõ thêm cái bệnh kiêu ngạo này là sinh ra ở thời cộng sản, ở trong đội ngũ những người cộng sản. Thế mới biết, bệnh kiêu ngạo công thần này ở thời nào cũng có.

Tác giả: GS, TS Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Số lượt người xem: 1190    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA