Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
1
7
4
2
8
7
Tuyên giáo 29 Tháng Tư 2021 3:35:00 CH

Truyền thống Gò Môn – Một thời và mãi mãi

Nguồn: Lịch sử truyền thống đội biệt động 67A Phân khu Gò Môn

Tháng 5/1961, do yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định hợp nhất 2 địa phương Gò Vấp và Hóc Môn thành quận Gò Môn bao gồm 21 xã, thị trấn. Khu ủy quyết định lấy địa bàn Gò Môn làm trọng điểm để chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng toàn vùng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Gò Môn tự trang bị giáo mác, gậy tầm vông vạt nhọn, đồng loạt nổi dậy, xuống đường tuần hành, biểu tình đòi Mỹ cút về nước, kêu gọi binh lính ngụy quay về với Nhân dân cùng đấu tranh giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc. Trong thời gian ngắn, quần chúng Nhân dân đã làm chủ thôn xóm; quân địch co cụm trong các đồn bót không dám hành động.

Đầu năm 1962, địch tiến hành “Quốc sách ấp chiến lược” nhằm cô lập cách mạng miền Nam, giành lại vùng nông thôn, đánh bật lực lượng vũ trang và cơ sở cách mạng của ta ra khỏi Nhân dân. Trước tình hình trên, Quận ủy Gò Môn tiến hành củng cố lại lực lượng. Từ đảng viên đến lực lượng nòng cốt cảm tình với cách mạng đều có sự liên hệ chặt chẽ, kín đáo hơn. Chính nhờ tổ chức bí mật và nửa bí mật mà phong trào vũ trang, tuyên truyền kết hợp binh vận, biệt động, đánh ngụy ngay tại quận lỵ tiếp tục phát triển và giành được những thắng lợi quan trọng. “Quốc sách ấp chiến lược” bị quân dân Sài Gòn - Gia Định, trong đó có quân dân Gò Môn phá rã ngay sào huyệt của chúng. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961- 1965) của Mỹ bị phá sản, chúng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở Miền Nam Việt Nam.

Ở vùng ven đô, chúng tăng cường các hoạt động quân sự nhằm tìm diệt cơ quan lãnh đạo của Thành ủy, Quận ủy, lực lượng vũ trang; đánh phá các cơ sở hậu cần, kho vũ khí, đạn dược của ta. Nhận rõ ý đồ xâm lược của Mỹ, Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 27/3/1965 và Nghị quyết Trung ương Cục Miền Nam lần thứ 4 vào tháng 4 năm 1965 khẳng định: Quyết tâm chuẩn bị lực lượng, đẩy mạnh đấu tranh chính trị và quân sự, đánh bại đế quốc Mỹ và tay sai trên chiến trường Miền Nam.

Khu ủy Sài Gòn - Gia Định triệu tập hội nghị tại căn cứ quán triệt các Nghị quyết nói trên, đánh giá tình hình chiến trường và đưa ra quyết định: nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là gấp rút chọn người từ các quận ven đô để tập trung huấn luyện, hình thành 6 Tiểu đoàn mũi nhọn, trong đó có Tiểu đoàn 2 Gò Môn (Tiểu đoàn 2 Quyết Thắng). Riêng các đội biệt động thống nhất lại hình thành đơn vị Biệt động F100 và đặc công được bố trí ra ven đô, cạnh các tiểu đoàn mũi nhọn. Địa bàn quận Gò Môn có Đội biệt động 67; đến tháng 5/1965, Phân khu Gò Môn quyết định thành lập 02 độ biệt động 67A và 67B từ Đội Biệt động 67. Đội Biệt động 67A hoạt động chủ yếu trên địa bàn Hóc Môn - Củ Chi với nhiệm vụ diệt ác, phá kềm, đánh đồn địch, hỗ trợ cho quần chúng cách mạng vùng lên phá ấp chiến lược của địch, giải phóng quê hương.

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cán bộ chiến sĩ Đội Biệt động 67A cùng với Đảng bộ và quân dân Gò Môn tham gia chiến dấu, góp phần cùng quân dân miền Nam giáng cho Mỹ - ngụy những đòn nặng nề, đập tan uy thế xâm lược hung hãn của bọ chúng. Bằng sức mạnh của lòng căm thù giặc, quân dân Gò Môn đã giữ vững truyền thống yêu nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, khẳng định quyết tâm:“Dù xứ sở Mười Tám Thôn Vườn Trầu có bị san bằng bình địa, nhưng những người dân Gò Môn vẫn quyết chiến đấu đến cùng để giành độc lập tự do cho quê hương đất nước”.

Cuối năm 1968, đế quốc Mỹ đưa quân phản kích liên tục, thực hiện “bình định cấp tốc”, lấn chiếm được phần lớn vùng nông thôn Sài Gòn – Gia Định. Đầu năm 1969, nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình cách mạng và thích hợp với chiến trường, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định giải thể quận Gò Môn. Quận Gò Môn tuy chỉ hình thành và tồn tại trong 9 năm (1961- 1969), thời gian không dài so với lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỷ 20, nhưng có ý nghĩa hết sức to lớn, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Hóc Môn, Gò Vấp, Củ Chi, Quận 12 ngày nay, là một dấu ấn sâu sắc, một mốc son chói lọi của bản anh hùng ca cách mạng.

Truyền thống Gò Môn với những trang sử hào hùng của Dân - Quân - Chính - Đảng, mãi mãi là tấm gương, là phẩm chất sáng ngời của các thế hệ cha anh đi trước; thể hiện đậm đà chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là ánh đuốc sáng ngời để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo, quyết tâm ra sức giữ gìn.

Thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp tục sự nghiệp xây dựng đất nước, xây dựng vùng đất hào hùng năm xưa trở thành những khu công nghiệp, khu trung tâm thương mại, đường sá rộng mở, trường học, bệnh viện - trạm xá được xây dựng đạt chuẩn quốc gia, nhằm đô thị hóa vùng đất này với tốc độ phát triển kinh tế xã hội ngày càng cao, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.


Số lượt người xem: 724    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA