Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
2
3
3
8
1
4
0
Văn phòng cấp ủy 29 Tháng Chín 2023 5:05:00 CH

Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngày này năm xưa (Ngày 21/9)

 

         Ngày 21-9-1923, Nguyễn Ái Quốc viết “Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản” nêu tóm tắt tình hình Đông Dương, đưa ra những phân tích cụ thể và sâu sắc về các thành phần xã hội và con đường để tiến hành một cuộc cách mạng ở Việt Nam: “Triều đình và quan chức lệ thuộc tuyệt đối vào chính quyền Pháp. Họ bị chủ Pháp của họ khinh bỉ và nhân dân An Nam ghét. Thiểu số các nhà nho hay là các nhà trí thức là các nhà cách mạng dân tộc chủ nghĩa. Chính họ đã khích động mọi cuộc nổi dậy trong quá khứ. Công nhân có thể là 2% trong dân số, không được học hành, không được tổ chức. Do vậy họ không có một lực lượng chính trị nào... Quần chúng nông dân bị bóc lột nhất và cùng khổ nhất, rất yêu nước. Tuyên truyền tốt trong nông dân và tổ chức tốt trong công nhân nếu chúng ta làm tới được điều đó thì tương lai thuộc về chúng ta”. Có thể nói đây là những phác thảo đầu tiên cho một đường lối chính trị hình thành của Nguyễn Ái Quốc. Báo cáo còn đưa ra dự kiến “xuất bản một tờ báo nhỏ tiếng Việt”, tập hợp các phần tử dân tộc cách mạng, đưa người qua Mátxcơva...

Ngày 21-9-1941, bài thơ “Trẻ con” của Nguyễn Ái Quốc đăng trên báo Việt Nam Độc lập:

“Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan,

Chẳng may vận nước gian nan,

Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng...

Vì ai mà đến thế này?

Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn!

Khiến ta nước mất nhà tan,

Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa.

Vậy nên con trẻ nước ta

Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh!

Kẻ lớn cứu quốc đã đành,

Trẻ em cũng phải ra giành một vai.

Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây,

Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng”.

Ngày 21-9-1945, Bác dự họp Hội đồng Chính phủ bàn nhiều việc hệ trọng như chính sách đối với lao động, tài chính, lương bổng, ngoại giao với Pháp, Trung Hoa, Mỹ và cả yêu sách của quân Nhật đã bị giải giáp. Riêng với việc lực lượng vũ trang của Đại Việt ở Vĩnh Yên xin hàng, Bác chỉ thị nên thu xếp nhanh chóng và lấy lượng khoan hồng để đối xử.

Ngày 21-9-1954, báo Nhân Dân đăng thư của Bác Hồ gửi cho bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc với những tình cảm chân thành: “Để thi hành hiệp định đình chiến, đồng bào đã tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà... Đến ngày hòa bình đã được củng cố, thống nhất được thực hiện, độc lập, dân chủ đã hoàn thành, đồng bào sẽ vui vẻ trở về quê cũ. Lúc đó rất có thể tôi sẽ cùng đồng bào vào thăm miền Nam yêu quý của chúng ta”.

Ngày 21-9-1959, tham dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về Cách mạng miền Nam, Bác nhắc nhở: “Phải giáo dục cho toàn dân hiểu rõ cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ, tránh chủ quan nóng vội. Ở các vùng rừng núi phải đề cao cảnh giác, phải phát triển mạnh chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Ở thành thị phải tiến hành đánh địch trên mọi mặt (kinh tế, chính trị, quân sự...), phát triển công tác dân vận, địch vận, có như vậy mới bảo vệ được miền Bắc. Phải củng cố tổ chức cơ sở đảng, công tác mặt trận phải làm cho tốt...”.

(Nguồn: Trang tin điện tử Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh)


Số lượt người xem: 2154    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA