Tình yêu hôn nhân là yếu tố quan trọng bậc nhất trong sự hình thành và phát triển bền vững của gia đình. Đây là vấn đề cốt lõi nhu cầu tình cảm tinh thần của đời sống vợ chồng nó chi phối mọi thành viên trong gia đình và tác động trực tiếp tới việc chăm sóc người già, nuôi dạy con nhỏ.
Quan hệ vợ chồng được hình thành giữa người nam và người nữ khi họ có quan hệ hôn nhân. Hôn nhân là hiện tượng xã hội, là sự liên kết tất yếu của quy luật tự nhiên giữa một nam và một nữ. Quan hệ vợ chồng là sự kết hợp nhiều mặt trong cuộc sống của một người đàn ông và một người đàn bà, đó là: tình yêu, lòng tận tụy, quan hệ giao tiếp bạn bè, những công việc chung, cùng với sự đồng cảm, chia sẻ với công việc riêng của mỗi người.
Nghĩa vợ chồng gắn với lòng nhân ái, nhân hậu tự nhiên của con người khiến đôi vợ chồng gắn bó với nhau suốt đời, dù khi tình yêu bồng bột của tuổi trẻ không còn, nghĩa vợ chồng giúp họ vượt qua những mâu thuẫn, bi kịch rất khó tránh khỏi trong cuộc sống nhiều năm của một gia đình. Hạnh phúc gia đình phụ thuộc vào mối quan hệ tình cảm giữa đôi vợ chồng, cùng với sự đòi hỏi của họ về tự do cá nhân, về hạnh phúc cá nhân và sự riêng tư trong đó tình yêu là tình nghĩa là yếu tố cơ bản nhất.
Theo Ph. Ăng- ghen, thì vợ, chồng, gia đình là “những thiên chức mang trong nó những nghĩa vụ nhất định”. Bởi vậy, nếu như vợ, chồng không chú ý đến điều đó để chia sẻ trách nhiệm gia đình thì tình yêu lãng mạn sẽ va chạm với những khó khăn hàng ngày trong cuộc sống gia đình. Để quan hệ vợ chồng vững bền thì hai người cần phải biết cách giữ gìn lâu dài mối quan hệ thân ái và tôn trọng nhau: không để xảy ra cảnh người chồng toàn quyền, ra lệnh bắt vợ phải tuân theo, hay người vợ luôn lấn át ý kiến của chồng, mà mọi việc phải cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận, nhường nhịn, bỏ qua những va vấp trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời khi cần phải cương quyết thuyết phục để giải quyết công việc gia đình êm thấm hạnh phúc.
Trước đây, ở các nước phương Đông như Việt Nam, tính ổn định của gia đình truyền thống phụ thuộc vào chính các mối quan hệ liên kết trách nhiệm của đôi vợ chồng, của cha mẹ đối với con cái và ngược lại. Sự phân công lao động trong gia đình mang nặng tính chất truyền thống: người chồng là trụ cột kinh tế đem lại thu nhập cho cả gia đình, người vợ chăm sóc và phục vụ chồng con.
Trong xã hội ngày nay, hôn nhân là sự liên kết giữa một người đàn ông và một người đàn bà trên nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, tự nguyện nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, hòa thuận, được pháp luật cho phép là quan hệ vợ - chồng. Đây là mối quan hệ vừa mang tính pháp lí, vừa mang tính tình cảm sâu đậm giữa hai con người thuộc hai giới kết hợp với nhau.
Mối quan hệ vợ chồng không còn là sự phụ thuộc của người phụ nữ vào người chồng như ngày xưa mà đã bình đẳng hơn, dân chủ hơn. Cả phụ nữ và nam giới đều tham gia vào lực lượng lao động xã hội và mỗi cá nhân đều có vị trí nhất định trong xã hội. Trong gia đình, họ cùng nhau chia sẻ những công việc gia đình phù hợp với khả năng của mình.
Gia đình đề cao lòng chung thủy và tình nghĩa vợ chồng. Coi đó là báu vật phải trọn đời gìn giữ nâng niu. Nhưng thủy chung và và tình nghĩa trong mối quan hệ vợ chồng không tự dưng mà có, không từ đâu mà đến. Nguồn năng lượng tình cảm này phải bắt nguồn từ tình yêu thương, phải được hình thành trong nền giáo dục gia đình được nuôi dưỡng trong dòng chảy nhân ái của cuộc sống.
Thủy chung tình yêu cần được gieo mầm trên mảnh đất màu mỡ giá trị nhân văn và tri thức cuộc sống. Thủy chung tình nghĩa vợ chồng trong đời sống gia đình cũng cần được giáo dục, rèn luyện thử thách, trải nghiệm.
Đời sống con người phải trải qua không ít những hoàn cảnh thậm chí nghịch cảnh và sự éo le số phận thử thách lòng chung thủy con người. Cuộc sống lắm khi cũng gây ra những xáo động, những biến cố, những thăng trầm những trải nghiệm trớ trêu để thử thách bản lĩnh con người về lòng chung thủy và tình nghĩa vợ chồng.
Ngoài xã hội cũng không ít mật ngọt cám dỗ, những viên đạn bọc đường, những xa hoa phù phiếm, những bóng gió lả lơi, cạm bẫy để cho ai đó có những giây phút chênh vênh, ngả nghiêng say nắng. Lúc đó chính là thước đo, là phép thử của lòng chung thủy và tình nghĩa vợ chồng để vững vàng vượt qua không tự đánh mất mình.
Trong quá khứ biểu tượng của lòng chung thủy son sắt của người vợ đã được dân gian tôn vinh qua hình tượng nàng Tô Thị chờ chồng hóa đá trên đỉnh núi cao miền biên ải Xứ Lạng. Bi kịch về lòng thủy chung đến mức hóa đá còn lay động biết bao trái tim cảm phục mến mộ qua các thời đại.
Từ trong xa mờ của lịch sử hình ảnh Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa đền nợ nước trả thù nhà. Tấm gương của nữ anh hùng Trưng Nữ vương trả thù cho chồng bị giặc ngoại xâm sát hại là biểu hiện cho lòng thủy chung, lẫm liệt, tiết hạnh. Mối tình thủy chung đó viết lên trang sử vàng chói lọi ngay từ những thập kỷ đầu thiên niên kỷ thứ I lịch sử Việt Nam.
Trong 3 cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại chống Pháp, chống Mỹ, chống quân bành trướng Trung Quốc xâm lược đã thử thách lòng chung thủy của hàng triệu cặp vợ chồng ở hai miền Nam Bắc. Họ đã xa nhau chờ nhau cả mấy chục năm trời với lòng thủy chung trọn vẹn và niềm tin sắt đá vào ngày sum họp của gia đình. Lòng chung thủy và tình nghĩa vợ chồng thiêng liêng đó đã trở thành những biểu tượng cao đẹp trong thời đại Hồ Chí Minh chói lọi. Khi người chồng đi đánh giặc người vợ thủy chung son sắt đợi chờ:
Anh đi gìn giữ nước non
Tóc xanh em đợi lòng son em chờ...
Lòng chung thủy là một phẩm chất tốt đẹp vốn tiềm tàng trong mỗi lứa đôi, trong mỗi cặp vợ chồng. Cho dù cảnh ngộ có phải xa nhau muôn trùng sông núi thì niềm thương nỗi nhớ vẫn canh cánh bên lòng. Nỗi nhớ nhung khắc khoải ấy lại bắt nguồn và duyên cớ từ những điều tưởng như nhỏ bé, đơn sơ mộc mạc và bình dị:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương...
Truyền thống gia đình, tình yêu và hôn nhân đã mạnh mẽ phê phán lên án những người đi ngược lại sự thủy chung không trọn vẹn trước sau như một để đứt gánh giữa đường dang dở tình duyên, tan đàn sẻ nghé, tan cửa nát nhà.
Đã không ít những người thiếu đi sự thủy chung trọn vẹn, đứng núi này trông núi nọ, rồi tham bát bỏ mâm khiến cho hạnh phúc tình yêu nhạt phai, đổ vỡ. Cũng có người không biết nâng niu quý trọng tình yêu hôn nhân hạnh phúc gia đình để buông thả, sa ngã dẫn đến lầm lỡ.
Với những hành vi sai trái: “Khôn ba năm dại một giờ” họ đã không biết trân trọng giữ gìn trinh tiết, đạo đức, nhân phẩm để rồi sa ngã vào chỗ tối tăm. Họ đã tự đánh mất phẩm hạnh, tiết hạnh của mình, tự đánh mất mình vì những tham muốn thấp hèn trong chốc lát. Đây chính là bài học cảnh tỉnh cho những ai xa rời lòng chung thủy, bỏ rơi tình nghĩa sâu nặng vợ chồng dẫn tới lầm đường lạc lối.
Một thái độ khác cũng được xã hội truyền thống và đương đại lên án kịch liệt đó là thói trăng hoa, gian díu, trai gái quan hệ bất chính ngoài hôn nhân. Hành động này dù được che đậy đắp điếm, nhưng đó là sự phản bội tình yêu và lòng chung thủy. Đây là nguy cơ rạn nứt tình cảm dễ dẫn đến phá vỡ hạnh phúc gia đình.
Thói hư tật xấu này không thể dễ dàng giả dối, giả tạo, che đậy lấp liếm mãi được. Một khi sự việc tai tiếng ấy bị lộ tẩy, hành động xấu xa đê tiện bị phanh phui, bị vạch mặt, sự thật bị bóc trần trơ trụi khác nào cháy nhà ra mặt chuột. Khi ấy thì bản thân nhận quả đắng tiếng xấu để đời. Gia đình phải gánh chịu cảnh cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Cái giá của sự phản bội lòng chung thủy là quá đắt với một đời người.
Trong đời sồng hôn nhân gia đình, tình yêu chiếm một vị trí rất quan trọng. Đó là phần hồn của mái ấm thiên đường hạnh phúc. Khi đôi lứa bắt đầu nói lời yêu nhau ấy là lúc tình yêu nhen nhóm. Khi đôi lứa kết hôn ấy là lúc tình yêu vào độ chín của mùa hoa thơm, trái ngọt.
Sau khi kết hôn cặp vợ chồng trong một túp lều tranh hai trái tim vàng ấy bắt đầu cuộc sống rất mới mẻ, cũng là lúc nảy nở một thứ tình cảm khác rất mới lạ nhưng nó lớn dần lên bền chặt mãi đến điểm cuối của cuộc đời. Đó là tình nghĩa vợ chồng.
Có thể nói tình nghĩa vợ chồng là biểu hiện sắc thái của tình cảm mức độ sâu đậm bền chặt thấu hiểu cảm thông ở mức độ cao. Tình yêu thủa ban đầu còn mang tính cảm tính nhưng tình nghĩa thì đã mang chất lí tính. Đó là quá trình thực hiện lời hứa, lời thề thủy chung son sắt. Đó là hành trình của lứa đôi khám phá trải nghiệm niềm hạnh phúc làm mẹ làm cha, làm ông làm bà...
Khi tình yêu lứa đôi có độ chín, có độ sâu thì lúc đó nảy sinh và phát triển tình nghĩa vợ chồng. Rất đúng như thành ngữ dân gian có câu: “Tình sâu nghĩa nặng” vợ chồng tay ấp má kề, chung chăn chung gối...
Tình yêu vợ chồng không có chất bồng bột, ma lực mãnh liệt, bốc lửa như ở tình yêu, nhưng nó có độ chín chắn, đằm sâu, nồng hậu, nồng nàn âm thầm và bền bỉ. Nó dẫn dắt cặp vợ chồng trải nghiệm niềm hạnh phúc. Nó đưa cặp vợ chồng vượt qua những khó khăn gian khổ, thử thách chông gai chia ngọt sẻ bùi. Nó tạo ra sự xung mãn của niềm hạnh phúc theo quan niệm dân gian “gừng càng già càng cay”.
Tình nghĩa vợ chồng có sức mạnh bền bỉ dẻo dai bởi sự thông hiểu sâu sắc nhau, sự nhường nhịn, săn sóc nhau sự đáp ứng nhu cầu của nhau và sự bù đắp những thiếu thốn hẫng hụt cho nhau lên tới mức hoàn hảo gắn bó khăng khít. Tới mức độ đến một lúc nào đó không gì và không ai có thể thay thế. Bởi vì “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”.
Những người sống không trọn vẹn với người mình yêu thương phản bội tình nghĩa vợ chồng bị gia đình cộng đồng, dư luận xã hội lên án mạnh mẽ, coi đó là sự xấu xa tệ hại nhất. Bởi họ nỡ sống “Tham vàng bỏ ngãi”, “Tham bát bỏ mâm” ngập ngụa chìm đắm nơi chốn “Già nhân ngãi non vợ chồng”. Tự mình chuốc lấy tai ương nghiệp chướng, chịu sự trừng phạt của số phận theo quan niệm dân gian.
Tình nghĩa vợ chồng trọn vẹn trách nhiệm còn thể hiện ở những cử chỉ quan tâm, săn sóc, chiều chuộng lẫn nhau, dành cho nhau những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống hàng ngày. Vợ chồng biết tin cậy lẫn nhau, lắng nghe nhau để hiểu rõ những nhu cầu của nhau để đáp ứng trọn vẹn. Tình nghĩa vợ chồng tuy chỉ bằng những lời nói, cử chỉ, việc làm giản đơn thường nhật nhưng lại có giá trị biểu cảm sâu xa, mặn nồng đằm thắm không ai có thể thay thế được.
Trong cuộc sống có biết bao tấm gương tình nghĩa, tận tụy hy sinh cho nhau, săn sóc nhau hàng chục năm trời ròng rã khi một trong hai người bị rủi ro, đau ốm. Chỉ có tình yêu thương nghĩa vợ chồng mới có được đức hy sinh tận tụy, bền bỉ, nhẫn nại, kiên trì trọn vẹn đến như vậy.
Tình nghĩa vợ chồng còn thể hiện ở nghĩa khí trước sau như một, sự nhất quán cần thiết trong ứng xử với nhau để tạo dựng trong nhau niềm tin tuyệt đối vào người bạn đời mà mình tự nguyện gắn bó, trao thân gửi phận:
Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Đó là lời răn dạy cho mọi người nhưng với tình chồng vợ lại càng rất đúng, rất cần thiết. Dân gian còn có câu: “Nói ngọt lọt tới xương” rất phù hợp với xưng hô giao tiếp vợ chồng trọn vẹn trước sau như một. Cho dù hoàn cảnh nào cũng không thể xảy ra vướng mắc, xung khắc, cha ông xưa thường răn dạy các cặp vợ chồng:
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê.
Văn hóa ứng xử trong tình yêu hôn nhân, trong đời sống vợ chồng là nhịp cầu nối lứa đôi với bến bờ hạnh phúc. Đó là một nội dung quan trọng trong tiêu chí ứng xử gia đình. Nét đẹp truyền thống về tình yêu hôn nhân tình nghĩa vợ chồng trọn vẹn trách nhiệm đang được tiếp nối phát huy trong cuộc sống đương đại gặt hái những kết quả rất đáng trân trọng trong nền tảng văn hóa gia đình Việt Nam hôm nay và mai sau./.
Phòng Văn hóa và Thông tin