Với ý tưởng “Lập trình robot chữa bệnh ung thư”, Lê Hoàng, học sinh lớp 12C4, Trường THPT Trường Chinh, Quận 12, là một trong 2 đại diện của Việt Nam tham gia tranh tài tại cuộc thi “Lập trình quốc tế CodeMao” tổ chức tại Trung Quốc mới đây, em đã xuất sắc vượt qua các thí sinh đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản… giành được Huy chương Vàng giải Sáng tạo và Huy chương Vàng giải Tình bạn (Thân thiện nhất) tại cuộc thi.
Nói về ý tưởng “Lập trình robot chữa bệnh ung thư”, Lê Hoàng chia sẻ: “Hiện nay ung thư là căn bệnh rất phổ biến, ai cũng có thể bị bệnh. Vậy nhưng căn bệnh này hiện vẫn chưa thể chữa trị được hoàn toàn mà chỉ có thể hóa trị và xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, việc điều trị này cũng tiêu diệt luôn cả những tế bào tốt. Đặt trong bối cảnh công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, robot đang dần thay thế con người trong nhiều công việc, nên em mong muốn sẽ có một loại robot lượng tử (siêu nhỏ) đưa trực tiếp vào cơ thể người, thay vắc-xin tiêu diệt các tế bào ung thư. Để hình thành ý tưởng, Lê Hoàng sử dụng phần mềm có sẵn trong cuộc thi, cùng phần mềm photoshop vẽ ra hình ảnh robot, các mạch máu và virus ung thư, sau đó lập trình trực tiếp lên hình ảnh. “Khó nhất là làm sao phải vẽ cho gần nhất với mô phỏng thực tế, mã code vào lập trình phải phù hợp với số vật lý để robot hoạt động trong môi trường cơ thể người. Em phải tìm hiểu cách vẽ trên máy tính, tìm hiểu sâu về các đoạn code để hỗ trợ robot lập trình theo đúng ý tưởng của bản thân”. Em mất 3 tuần để hoàn thành tất cả các công đoạn, từ ý tưởng cho đến việc lập trình. Theo đó, em tận dụng các khoảng thời gian rảnh sau giờ học, ngày cuối tuần, rất nhiều lần phải làm đi làm lại… Lê Hoàng cho biết, người bệnh sẽ được đưa vào một môi trường vô trùng và robot được tiêm vào cơ thể người bệnh cùng với một loại thuốc. Khi đi vào các mạch máu, robot sẽ tự động đi săn lùng các tế bào ung thư để tiêu diệt bằng cách phóng ra tia gamma (loại tia rất nhỏ được tìm thấy trong năng lượng nguyên tử). Trong quá trình lập trình, những rủi ro này đều đã được em lường trước. Theo đó, khi gặp phải bạch cầu, robot sẽ tự mở một con đường mới để đi. Ngoài ra, robot còn có khả năng thích nghi với các loại virus ung thư khác nhau; khi bị một tế bào ung thư tiêu diệt, robot sẽ tự động gửi mã về các robot còn lại để tạo ra môi trường kháng thể. Còn nếu bị vướng vào thành mạch máu, robot sẽ tự động hủy.
Không chỉ với kết quả trên, trong năm 2019, kỳ thi Quốc tế tại Hàn Quốc “IYRC”, Lê Hoàng đã xuất sắc Đạt Huy chương Bạc Giải cứu rừng. Hình thức và thể lệ thi có 21 nước trên thế giới với nhiều châu lục khác nhau tham dự. Riêng bảng “Giải cứu rừng” có 4 thành viên đại diện Việt Nam tham gia. Đề bài là cho một mô hình rừng bị cháy và có nhiều người mắc kẹt trong đó, nhiệm vụ của chúng ta là tìm ra con đường nhanh nhất vừa cứu được người vừa hạn chế tối đa sự lây lan bành trướng của lửa với rừng thông qua lập trình code cho robot chạy trên mô hình bằng bộ cảm biến.
Đặc biệt, năm 2019, Lê Hoàng đạt Huy chương Vàng kỳ thi cuộc thi lập trình sáng tạo Codegame cấp Quốc gia. Em cho biết, kỳ thi có hơn 100 thí sinh tham gia lập trình sáng tạo viết Code Game theo chủ đề Vũ Trụ hình thức cá nhân, hiểu đơn giản là tạo ra một trò chơi về vũ trụ trên máy tính theo ngôn ngữ Java. Nội dung thi gồm 2 phần chính, phần 1 là viết Code, các thí sinh mang laptop của mình và viết code dưới sự giám sát chặt chẽ từ giám thị coi thi. Sau đó giám khảo sẽ đến từng bàn cho chạy chương trình và đặt câu hỏi; phần 2 là thuyết trình bằng tiếng Anh về bài dự thi của mình cho giám khảo người Trung Quốc nghe và đặt câu hỏi.
Tại ngôi trường mà mình đang theo học, Hoàng tích cực tham gia các hoạt động chung của lớp, của trường và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ STEM, với nhiệm vụ trao đổi và học tập lập trình code cho các giải thi từ Đoàn trường gửi xuống hoặc huấn luyện cho các bạn của trường dự thi các giải trong nước. Ngoài đam mê về lập trình, Hoàng còn được bạn bè khâm phục bởi tài nói tiếng Anh của mình. Trong chuyến thi đấu tại Trung Quốc, em đã sử dụng khả năng tiếng Anh để chinh phục ban giám khảo và bạn bè quốc tế. Giải thưởng “Thân thiện nhất” của Lê Hoàng do chính bạn bè quốc tế bầu chọn. Đặc biệt, tiếng Anh được coi là cầu nối hỗ trợ Lê Hoàng trong việc sáng tạo khi em sử dụng tiền kiếm được từ công việc dạy thêm tiếng Anh để mua linh kiện chế tạo sản phẩm. “Em tự học tiếng Anh bất cứ thời gian rảnh nào bằng việc đọc những cuốn sách tiếng Anh. Ngôn ngữ này là cầu nối để mỗi người chạm đến thế giới theo cách riêng của mình”, Lê Hoàng tâm sự.
Lê Hoàng đam mê lập trình từ năm học lớp 7 khi được ba mẹ cho đi học tại một trung tâm tin học. Sau 2 năm “mài đũng quần” ở trung tâm vào những buổi vừa học vừa chơi, năm lớp 10, Lê Hoàng đã đưa công nghệ vào ứng dụng trong gia đình mình qua việc chế tạo bóng đèn tự động và khóa cảm biến vân tay. Lê Hoàng cũng thừa nhận mình thường xuyên chơi game vào những giờ rảnh rỗi để khám phá ra cách mà họ tạo dựng một mô hình nhân vật hay môi trường sống trong game đó. Sau những giờ học căng thẳng và những bài tập trên máy tính, Hoàng cũng thường chơi guitar, vừa khuây khỏa mà nó còn là nguồn cảm hứng cho Hoàng sáng tạo và thư giãn nhất định. Lê Hoàng bật mí thêm, hiện nay, Câu lạc bộ STEM của trường đang tiếp tục nghiên cứu phát triển thêm về robot phân loại rác, đảm bảo ngoài việc phân loại nhựa và kim loại như hiện tại thì có thể phân loại được rác hữu cơ, vô cơ để đưa vào phục vụ trong trường học”.
Với Lê Hoàng, những Huy chương em giành được không phải là cái được lớn nhất mà quan trọng là em đã có một cơ hội được giao lưu, học hỏi với các bạn quốc tế, đặc biệt là được thử khả năng tiếng Anh giao tiếp của mình cũng như bằng niềm đam mê và khao khát chinh phục công nghệ 4.0, trong đó có lập trình rất hữu ích cho cuộc sống, nó có thể giúp cuộc sống của con người trở nên dễ dàng, thoải mái hơn rất nhiều./.
NHƯ HẠNH