Ngày 27/3/1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khỏe và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”. Cuối tháng 3 năm 1946, Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”. Trong “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” Người viết: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe. Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe. Dân cường thì nước thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”.
Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27/3/1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước sôi nổi. Phong trào Khỏe vì nước thực chất là bước đầu của nền Thể dục Thể thao mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.
Sau khi hòa bình lập lại 1954, Chính phủ đã thành lập Ban Thể dục thể thao (TDTT) ở các tỉnh thành. Ngày 16/03/1957 Thông tư số 92, phát động cuộc vận động rèn luyện thân thể với đợt phát động này đã thu hút nhiều tầng lớp lao động tham gia tập luyện và thi đấu. TDTT được xây dựng một cách có kế hoạch và hệ thống, việc định hướng chiến lược phát triển TDTT đồng bộ từ Trung Ương đến cơ sở, chú trọng công tác: Tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, thành lập các trung tâm và Trường đào tạo VĐV; thường xuyên phát động quần chúng tham gia tập luyện TDTT; Tổ chức nhiều giải thi đấu, tổ chức Đại hội TDTT. Tham gia các giải thi đấu quốc tế. Triển khai kế hoạch xây dựng cở sở vật chất phục vụ cho việc phát triển TDTT. Xét duyệt và cấp chế độ cho các huấn luyện viên, VĐV có khả năng phát triển thành tích cao, tăng cường hệ thống tuyên truyền Giáo dục mọi người tham gia tập luyện. Chú trọng đào tạo cán bộ khoa học TDTT để nâng cao thành tích TDTT...
Ngày 29/1/1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 25/CT về việc lấy ngày 27/3 hàng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. “Ngày Thể thao Việt Nam” được tổ chức hàng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp Nhân dân tham gia phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao lành mạnh. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 133 TTg về việc “Quy hoạch phát triển ngành Thể dục thể thao”: ngành Thể dục thể thao đã thực hiện cuộc tổng điều tra và xây dựng quy hoạch phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao đến năm 2000 và những năm đầu thế kỷ 21.
Phong trào tập luyện TDTT trong quần chúng Nhân dân phát triển theo chiều sâu, thu hút đông đảo mọi người dân, mọi đối tượng tham gia tập luyện TDTT. Cho đến nay, số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 33,5%; số gia đình tập luyện TDTT ước đạt 24,5%; số câu lạc bộ thể thao: 60.000 câu lạc bộ; số cộng tác viên thể thao: 40.000 người. Phong trào TDTT trong học sinh thông qua Hội khoẻ Phù Đổng và Đại hội thể thao sinh viên thường xuyên tổ chức theo định kỳ 4 năm/lần. Số lượng môn thể thao và số lượng vận động viên (VĐV) tham gia được tăng dần qua các kỳ Đại hội. Thể thao thành tích cao đã từng bước khẳng định vị trí của Thể thao Việt Nam trên bản đồ Thể thao thế giới, khi các VĐV Việt Nam liên tiếp ghi tên mình trên bảng thành tích ở các đấu trường Thể thao Oympic, ASIAD, SEA Games cũng như các giải đấu quốc tế quan trọng khác.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều môn thể thao dần được chuyên nghiệp hóa; thể thao thành tích cao dần tiếp cận với phương pháp tập luyện, thi đấu hiện đại và trình độ khu vực. Không ít môn thể thao có tính truyền thống, nhất là võ thuật đã phát triển mạnh và rộng, trở thành môn thể thao được yêu thích, được đưa vào thi đấu ở các nước, trong các giải khu vực và thế giới.
BBT