1. Quản lý các hoạt động kinh doanh, dịch vụ:
Điều 10 Luật Phòng, chống mua bán người quy định: Các hoạt động hỗ trợ kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, cho, nhận con nuôi, giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, dịch vụ văn hóa, du lịch và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ có điều kiện khác dễ bị lợi dụng phải được quản lý, kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc lợi dụng các hoạt động này để thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 3 của Luật Phòng, chống mua bán người.
2. Cá nhân và gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người:
Điều 12, Điều 13 Luật Phòng, chống mua bán người quy định:
* Cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người như sau:
- Tham gia các hoạt động phòng ngừa mua bán người.
- Kịp thời báo tin, tố giác, tố cáo hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
* Gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người như sau:
- Cung cấp thông tin cho thành viên trong gia đình về thủ đoạn mua bán người và các biện pháp phòng, chống mua bán người.
- Phối hợp với nhà trường, cơ quan, tổ chức và các đoàn thể xã hội trong phòng, chống mua bán người.
- Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân là thành viên của gia đình để họ hòa nhập cuộc sống gia đình và cộng đồng.
- Động viên nạn nhân là thành viên của gia đình hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền trong phòng, chống mua bán người.
3. Nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia phòng ngừa mua bán người:
Điều 14 Luật Phòng, chống mua bán người quy định Nhà trường và các cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia phòng ngừa mua bán người như sau:
- Quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên.
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng, chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học.
- Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên, học viên là nạn nhân học văn hóa, học nghề, hòa nhập cộng đồng.
- Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống mua bán người.
4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tham gia phòng ngừa mua bán người:
Điều 17 Luật Phòng, chống mua bán người quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tham gia phòng ngừa mua bán người như sau:
- Tổ chức và phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; vận động nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, tích cực phát hiện, tố giác, tố cáo, ngăn chặn hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
- Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp cần thiết nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Phòng, chống mua bán người.
- Tư vấn và tham gia tư vấn về phòng, chống mua bán người.
- Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
- Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.
5. Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng ngừa mua bán người:
Điều 18 Luật Phòng, chống mua bán người quy định Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng ngừa mua bán người như sau:
- Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ và trẻ em nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.
- Tham gia xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên về phòng, chống mua bán người ở cơ sở.
- Thực hiện trách nhiệm quy định tại Điều 17 của Luật Phòng, chống mua bán người, cụ thể như sau:
+ Tổ chức và phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người; vận động nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người, tích cực phát hiện, tố giác, tố cáo, ngăn chặn hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người.
+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những biện pháp cần thiết nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật phòng, chống mua bán người.
+ Tư vấn và tham gia tư vấn về phòng, chống mua bán người.
+ Tham gia dạy nghề, tạo việc làm và các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng.
+ Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người.
6. Tố giác, tin báo, tố cáo hành vi vi phạm:
Điều 19 Luật Phòng, chống mua bán người quy định về tố giác, tin báo, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người như sau:
- Cá nhân có nghĩa vụ tố giác, tố cáo hành vi vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc với bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
- Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác, tin báo, tố cáo về hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật phòng, chống mua bán người có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền hoặc kịp thời thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
7. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân:
Điều 39 Luật Phòng, chống mua bán người quy định cơ quan, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ nạn nhân cụ thể:
- Ủy ban nhân dân cấp xã đã tiếp nhận nạn nhân, cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đã giải cứu nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân.
- Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện hỗ trợ chi phí đi lại cho nạn nhân trong trường hợp họ tự trở về nơi cư trú.
- Cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ y tế cho nạn nhân.
- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân.
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân; phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện hỗ trợ y tế, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân./.
PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN