Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
1
5
6
9
6
5
Tin tức sự kiện 03 Tháng Mười Một 2021 10:35:00 SA

Một số giải pháp an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn quận

Theo thống kê của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi Thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 01/10/2021 đến ngày 15/10/2021 thì trên địa bàn đã xảy ra 15 vụ cháy, làm chết 01 người, bị thương 04 người. Loại hình xảy ra cháy nhiều là các cơ sở sản xuất, nhà ở kết hợp kinh doanh…; tỷ lệ xảy ra cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh sau thời gian giãn cách chiếm 60% tổng số vụ cháy trên địa bàn Thành phố.

Riêng địa bàn Quận 12, xảy ra vụ cháy tại Kho bột Công ty TNHH TM Bảo Thư (địa chỉ số: 67, đường APĐ13, khu phố 5, phường An Phú Đông, Quận 12) ngày 08/10/2021; Đội Cảnh sát PCCC & CNCH - Công an quận 12 đã huy động lực lượng, phương tiện có mặt tại hiện trường để triển khai công tác cứu hộ, dập lửa và khống chế đám cháy. Bảo vệ được 90m2/220m2 khu vực nhà kho và dãy nhà trọ, các nhà dân kế bên. Vụ cháy không gây thương vong về người nhưng gần như toàn bộ tài sản trong nhà xưởng bị thiêu rụi, bột làm giấy chảy tràn ra đường.

Vụ cháy tại vựa hải sản trên đường Ngã Rẽ (tại nhà không số, tổ 6, khu phố 3B, phường Thạnh Lộc, Quận 12) ngày 19/10/2021, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Quận 12 phối hợp cùng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TPHCM, Công an Quận Gò Vấp huy động nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ có mặt tại hiện trường triển khai công tác chữa cháy, cứu hộ. Sau gần 1 giờ đám cháy được dập tắt; vụ cháy không gây thương vong về người nhưng đã làm gần như toàn bộ tài sản bên trong kho xưởng bị thiêu rụi, nhà xưởng đổ sập; 2 xe tải cùng 2 xe máy bị cháy trơ khung sắt; vụ cháy còn làm một số nhà dân xung quanh bị ảnh hưởng.

Từ thực tế các vụ cháy trên, việc tăng cường và chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục và trang bị các kiến thức cơ bản về công tác đảm bảo an toàn PCCC & CNCH cũng như nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực PCCC & CNCH, chủ động phòng ngừa, nâng cao khả năng xử lý tình huống cũng như kỹ năng thoát nạn khi cháy, nổ xảy đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho hàng hóa, gara xe, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất... trên địa bàn quận, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của mình, của người thân cũng như cộng đồng là hết sức quan trọng.

Vì vậy, để thực hiện tốt công tác an toàn PCCC trên địa bàn quận trong thời gian tới, Công an Quận 12 đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kho hàng hóa, gara xe, nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất… trên địa bàn quận trước khi đưa vào hoạt động phải thường xuyên kiểm tra thật kỹ các điều kiện an toàn về PCCC như:

- Hệ thống điện tại cơ sở phải được kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn về PCCC sau một thời gian ngừng hoạt động có bị bong tróc, hở mối nối hay chuột cắn gì không… khi vận hành nên vận hành từng công đoạn, tránh đồng loạt vận hành đóng điện sẽ gây quá tải, ngắn mạch do chạm chập gây cháy, nổ từ hệ thống điện…

- Về dây chuyền sản xuất cần phải kiểm tra để đảm bảo an toàn PCCC, các cấu kiện, linh kiện có đảm bảo hoạt động để khắc phục kịp thời.

- Kiểm tra phương tiện PCCC được trang bị có sẵn sàng đảm bảo hoạt động tốt khi có sự cố cháy xảy ra sau thời gian ngừng hoạt động.

- Khi tiến hành sửa chữa, cải tạo có hàn, cắt kim loại phải thực hiện đầy đủ các quy định: Cách 10m với các vật thể dễ cháy; phải có dụng cụ che chắn không để xỉ hàn bắn ra khu vực xung quanh; chuẩn bị bình chữa cháy tại nơi hàn cắt và có người kiểm soát, theo dõi trong suốt quá trình thực hiện công việc hàn, cắt.

- Ngoài ra, cần kiểm tra tất cả các điều kiện an toàn PCCC khác để hạn chế không để cháy, nổ xảy ra.

* Khi đã dần hoạt động ổn định thì cơ sở cần phải:

- Chấp hành nghiêm các quy định về PCCC trong xây dựng, vận hành, sử dụng công trình phải đảm bảo theo quy định và thiết kế ban đầu; không tự ý thay đổi khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan chuyên môn.

- Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC tại cơ sở, doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống điện và việc sử dụng điện. Khắc phục kịp thời các sơ hở, thiếu sót có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ.

- Trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC và CNCH tại cơ sở theo quy định.

- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đến từng công nhân viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng hệ thống điện.

- Tổ chức giả định, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ định kỳ theo quy định nhằm xây dựng, huấn luyện cho thành viên Đội PCCC cơ sở và toàn bộ nhân viên các chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và các giải pháp thực hiện sơ tán nhân viên thoát nạn và cứu nạn nạn nhân khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

* Đối với người vận hành sử dụng hệ thống điện, thiết bị điện:

- Người vận hành, sử dụng điện cần được đào tạo bài bản, nắm rõ về sơ đồ điện, những vị trí, bộ phận có thể gây nguy hiểm trong quá trình sản xuất… Được tập huấn, huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và phải tham gia vào Đội PCCC cơ sở.

- Tuân thủ tuyệt đối quy định về khoảng cách an toàn đối với lưới điện cao áp và trạm biến thế, khoảng cách an toàn giữa thiết bị điện, sinh nhiệt sinh lửa với các vật dụng, hàng hóa dễ cháy.

- Thưc hiện nghiêm công tác bảo trì, bảo dưỡng và thay thế các thiết bị điện theo định kỳ và theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

- Thường xuyên kiểm tra các thiết bị, dây dẫn điện. Qua đó phát hiện sớm nhất những rò rỉ, hư hỏng có thể gây chập điện, tiếp xúc kém phát sinh tia lửa để kịp thời thay thế, sửa chữa đảm bảo an toàn.

- Sử dụng các thiết bị tự động đóng ngắt cho hệ thống điện tại cơ quan, xí nghiệp.

- Không sử dụng dây dẫn trần hoặc dây dẫn bị hở điện. Dây dẫn điện phải đi vào đường ống PVC bảo vệ, không đi dây điện tiếp xúc với các vật dễ cháy.

- Chọn những thiết bị điện an toàn. Ổ cắm điện, cầu dao, cầu chì nên đặt ở bề mặt làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy.

- Tuyệt đối không câu, mắc thêm thiết bị sử dụng điện làm quá tải hệ thống điện theo thiết kế ban đầu.

- Khi sử dụng điện để hàn, cắt kim loại phải thực hiện đầy đủ các quy định: Cách 10m với các vật thể dễ cháy; phải có dụng cụ che chắn không để xỉ hàn bắn ra khu vực xung quanh; chuẩn bị bình chữa cháy tại nơi hàn cắt và có người kiểm soát, theo dõi trong suốt quá trình thực hiện công việc hàn, cắt.

- Nên sử dụng biển cảnh báo, đèn tín hiệu, hàng rào bảo vệ tại những nơi điện cao thế nguy hiểm.

- Tắt các thiết bị điện, thiết bị sử dụng điện khi không sử dụng hoặc không có người theo dõi, kiểm soát.

- Không bố trí hàng hóa, vật tư dễ cháy gần, dưới các hệ thống điện, đường dây dẫn điện, các thiết bị tiêu thụ điện./.

CÔNG AN QUẬN 12


Số lượt người xem: 616    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày