Theo kết quả quan trắc do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 năm qua cho thấy tình trạng sụt lún đang diễn ra nghiêm trọng tại thành phố, tốc độ sụt lún trung bình là 4 cm/năm, cá biệt có nơi đến 6,7 cm/năm. Tổng diện tích vùng sụt lún trên toàn địa bàn thành phố lên đến gần 7.200 ha.
Qua báo cáo các kết quả quan trắc từ Sở Tài nguyên và Môi trường hàng năm, trong giai đoạn 2009 - 2019, tại Quận 12 tình trạng bề mặt đất lún biến dạng ở mức 15 – 20 cm, trong đó các khu vực diễn biến tương đối phức tạp tại các phường Thạnh Lộc, An Phú Đông. Nguyên nhân của tình trạng sụt lún mặt đất ngoài yếu tố do kiến tạo địa chất yếu thì phần lớn là do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, bề mặt đất đều phủ hạ tầng giao thông, tòa nhà và các công trình xây dựng dẫn đến hạn chế khả năng thẩm thấu nước mặt bổ cập lưu lượng nước cần thiết cho nguồn nước ngầm. Việc khai thác lượng nước ngầm với lưu lượng lớn, trong thời gian dài cũng là tác động kép khiến cho nguồn nước ngầm ngày càng kiệt quệ, mực nước ngầm bị hạ thấp, tạo khoảng rỗng trong lòng đất và làm lún mặt đất diễn ra ngày càng nhanh gây ảnh hưởng, nứt vỡ công trình, hạ tầng xây dựng; việc xâm nhập ô nhiễm từ mặt đất xuống các tầng nước dưới đất làm suy giảm chất lượng nguồn nước ngầm; đẩy nhanh tình trạng xâm nhập mặn.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng các hoạt động công nghiệp, năng lượng, giao thông kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đáng lo ngại hơn là thực trạng nguồn nước ngầm ngày càng bị ô nhiễm nặng, lượng nước ngầm bị nhiễm hóa chất từ phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… Hậu quả của việc ô nhiễm môi trường nước là làm biến đổi chất lượng nguồn nước, bao gồm cả nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm. Điều này khiến nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày, vệ sinh cá nhân, phục vụ nông nghiệp và công nghiệp rơi vào tình trạng khan hiếm. Sử dụng nước ngầm bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người như: Bi bệnh do lây lan qua nước ăn uống, có thể do ăn uống nước bị nhiễm sinh vật gây bệnh (Bệnh đường ruột, thương hàn, tả, viêm gan A,…); bệnh do tiếp xúc với nước: Những bệnh này có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với các sinh vật gây bệnh trong nước bị nhiễm bẩn (Ví dụ bệnh ngoài da, bệnh mắt hột, bệnh đau mắt đỏ); Bệnh do yếu tố độc hại có trong nước: Những bệnh này do trong nước có hóa chất độc hại, kim loại nặng,… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vì vậy, ý thức và trách nhiệm của mỗi người đối với các thế hệ tương lai là vấn đề then chốt và cần thiết. Người dân cần thay đổi suy nghĩ, thay đổi thói quen thì mọi vấn đề liên quan tới môi trường đều có thể được giải quyết.
Quận 12 kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn quận: Vì sức khỏe của bản thân và gia đình mình, hãy sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước của Thành phố; thực hiện trám lấp giếng khai thác nước dưới đất bị hư, giếng không còn sử dụng theo quy định nhằm bảo vệ nguồn nước dưới đất, hạn chế các nguy cơ do khai thác nước dưới đất gây ra. Đối với đối tượng sử dụng nguồn nước dưới đất ngoài hộ gia đình: chấp hành các quy định pháp luật về khai thác, sử dụng tài nguyên nước; nên chấm dứt khai thác nước dưới đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thực hiện trám lấp giếng hư, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác hoặc giấy phép đã hết hạn khai thác theo quy định. Các tổ chức, cá nhân đã được cấp phép khai thác nước dưới đất có kế hoạch giảm lưu lượng khai thác; thực hiện đầy đủ, đúng quy định các nghĩa vụ liên quan nêu trong giấy phép; thực hiện các nghĩa vụ tài chính về thuế tài nguyên nước theo quy định./.
Phòng VHTT