Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an TP Hồ Chí Minh, chiều ngày 17/4/2023, Công an Quận 12 tổ chức hội nghị hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn. Thượng tá Thân Thị Châu Dương, Phó Trưởng Công an Quận chủ trì hội nghị, cùng với sự tham dự của gần 40 cơ sở kinh doanh karaoke.
Tại Hội nghị, Công an Quận 12 đã lắng nghe những tâm tư, ý kiến của đại diện các doanh nghiệp karaoke trên địa bàn quận. Theo các doanh nghiệp, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, các cơ sở karaoke gặp rất nhiều khó khăn, do phải tạm ngưng hoạt động. Đến khi dịch hết vẫn gặp vướng và tiếp tục phải gián đoạn hoạt động, vì không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC.
Các ý kiến của đại diện các cơ sở chủ yếu liên quan đến các nội dung như: Giải pháp ngăn cháy, vật liệu chống cháy, chống tụ khói, giải pháp thoát nạn, trang bị phương tiện PCCC…
Toàn cảnh hội nghị
Trước những câu hỏi và vướng mắc nêu trên của đại diện các cơ sở, Thiếu tá Đỗ Quang Phú, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Quận 12 đã những trao đổi, phản hồi:
Thực tế, thời gian qua một số cơ sở karaoke đã để xảy ra những tồn tại như không đảm bảo như giải pháp ngăn cháy, đóng kín buồng thang, hướng đóng, mở cửa phòng hát; vật liệu ốp phòng, hành lang không có giấy kiểm định an toàn PCCC… một số cơ sở thay đổi công năng sử dụng, cải tạo, cơi nới mới nhưng không thẩm duyệt dẫn đến không đảm bảo an toàn về PCCC. Hơn thế, có những cơ sở thuộc diện thẩm duyệt và nhiều lần được cơ quan chức năng kiến nghị nhưng vẫn không thực hiện. Cũng có trường hợp có làm hồ sơ nhưng thiết kế không đạt yêu cầu…
Để tháo gỡ những vấn đề này, Thiếu tá Đỗ Quang Phú hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thời điểm chuyển tiếp: Đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn phiên bản trước thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh; không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới.
Nói cách khác, cơ sở đăng ký hoạt động ở thời điểm nào thì áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về thẩm duyệt được ban hành ở thời điểm đó, đây là một hướng mở thuận lợi cho cơ sở. Đối với cơ sở có thay đổi nhỏ, đã được thẩm duyệt nghiệm thu rồi thì không phải thẩm duyệt lại và tùy vào quy mô công trình có thuộc diện thẩm duyệt hay không.
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tồn tại ba nhóm, thứ nhất là nhóm đã được thẩm duyệt, thứ hai là nhóm thuộc diện thẩm duyệt nhưng chưa thực hiện và thứ ba là nhóm không thuộc diện thẩm duyệt. Đối với nhóm thứ ba, dưới ba tầng không thuộc diện thẩm duyệt về PCCC nhưng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm đăng ký đưa vào hoạt động. Đó là lắp đặt hệ thống PCCC, có giải pháp ngăn cháy, đóng kín buồng thang, vật liệu chống cháy phải có kiểm định của đơn vị có thẩm quyền, cửa phòng hát phải được mở ra phía ngoài… việc thực hiện đúng theo quy định về PCCC nêu trên, các cơ sở không khó để thực hiện được nếu quyết tâm.
Thiếu tá Đỗ Quang Phú cũng hướng dẫn cụ thể về thủ tục thực hiện phục hồi hoạt động nếu các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện an toàn về PCCC (Quy định tại Điều 18 Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ), cụ thể:
Thứ nhất, cơ sở phải có văn bản đề nghị phục hồi hoạt động (Mẫu số PC15) gửi người có thẩm quyền đã ra quyết định đình chỉ hoạt động trước đó xem xét, quyết định phục hồi hoạt động, theo một trong các hình thức sau:
- Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan có thẩm quyền;
- Trực tuyến tại cổng Dịch vụ công của cấp có thẩm quyền
- Thông qua dịch vụ bưu chính công ích, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Người được cơ quan, tổ chức cử đến liên hệ nộp văn bản đề nghị phải có Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền, xuất trình thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị phục hồi hoạt động, người đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động, đình chỉ hoạt động trước đó phải tổ chức kiểm tra, lập biên bản kiểm tra kết quả khắc phục nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, nổ, khắc phục vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy hoặc các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy (Mẫu số PC 10) và xem xét, ra Quyết định phục hồi hoạt động (Mẫu số PC 16). Trường hợp không ra Quyết định phục hồi hoạt động thì phải có văn bản trả lời cơ quan, tổ chức, cá nhân theo hình thức tương ứng với hình thức mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đã nộp văn bản đề nghị trước đó.
Quyết định phục hồi hoạt động phải được giao cho đối tượng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, cấp trên trực tiếp quản lý của đối tượng bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động (nếu có), Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện nơi cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động có trụ sở hoặc cư trú và đăng trên trang thông tin điện tử, phương tiện truyền thông.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ sở liên hệ Bộ phận 1 cửa của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP.HCM (PC07) để được hướng dẫn trực tiếp hoặc liên hệ qua số điện thoại 0693.187.183 hoặc Email: pccc.ca@tphcm.gov.vn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tá Thân Thị Châu Dương cho rằng dịch vụ karaoke đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân. Tuy nhiên, vật liệu được dùng trong các cơ sở này có nguy cơ cháy, truyền nhiệt nên dễ phát sinh cháy, nổ. Thực tế đã có nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người. Cho nên, pháp luật có quy định đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, yêu cầu về an toàn PCCC rất cao, phải đảm bảo tuyệt đối an toàn PCCC mới được hoạt động. Trên địa bàn Quận 12 hiện có 39 cơ sở kinh doanh karaoke và qua đợt tổng rà soát kiểm tra năm 2022, đến nay cũng đã có một số cơ sở đã khắc phục tồn tại về an toàn PCCC và đã được phục hồi hoạt động.
Ngoài ra, Đại diện Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về an ninh trật tự cũng đã giải đáp thắc mắc của các cơ sở về việc cấp Giấy phép an ninh trật tự sau khi cơ sở đã khắc phục các tồn tại về an toàn PCCC.
Ở góc độ quản lý, Thượng tá Thân Thị Châu Dương cũng chia sẻ: “Hiện nay quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC liên tục thay đổi, các cơ sở karaoke nói riêng gặp khó nhưng đơn vị quản lý Nhà nước về PCCC chúng tôi cũng có cái khó riêng. Những tiêu chuẩn không phù hợp sẽ gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người lao động. Từ những khó khăn đó dẫn đến có những doanh nghiệp vẫn “lén lút” hoạt động”.
Qua hội nghị, các cơ sở kinh doanh karaoke bày tỏ sự vui mừng, tin tưởng trước việc các cơ quan quản lý Nhà nước hiểu, chia sẻ khó khăn của các cơ sở trong giai đoạn hiện nay và cùng nhau trao đổi, tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Khi các cơ sở karaoke sớm được hoạt động trở lại sẽ đáp ứng nhu cầu giải trí và thụ hưởng văn hóa an toàn, lành mạnh của người dân cũng như góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Kết thúc Hội nghị, Thượng tá Thân Thị Châu Dương khẳng định, trong thời gian tới trên cơ sở hướng dẫn, tháo gỡ của Công an Quận 12, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động nhưng các cơ sở phải luôn hợp tác tốt, khắc phục các tồn tại, trang bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo an toàn PCCC, để luôn đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn, tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân. Nếu cơ sở nào vẫn cố tình làm sai hoặc không thực hiện đúng các quy định về an toàn PCCC thì cơ quan quản lý nhà nước vẫn buộc phải xử lý theo pháp luật.
Công an Quận 12