Qua hơn 27 năm hình thành và phát triển, Quận 12 hiện có 11 phường, với 339 khu phố, có 202.711 hộ với 736.753 nhân khẩu; 25 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với tỉ lệ 99,23% và 24 dân tộc thiểu số (DTTS) với 5.662 nhân khẩu, tỉ lệ 0,77% dân số toàn quận. Đồng bào dân tộc thiểu số tập trung chủ yếu là dân tộc Hoa (2.461 nhân khẩu), Khmer (1.790 nhân khẩu), Chăm (280 nhân khẩu), Tày (280 nhân khẩu), Mường (275 nhân khẩu), còn lại các dân tộc khác chiếm tỷ lệ thấp, với 576 nhân khẩu. Trong dòng chảy văn hóa hiện đại, đồng bào DTTS vẫn giữ gìn, phát huy tốt văn hóa truyền thống, đặc biệt, biến điều đó thành những sản phẩm giúp tăng thêm sinh kế, đóng góp tích cực vào hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa địa phương, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư mọi mặt của Đảng và Nhà nước; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp; sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quận, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ và Nhân dân các dân, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn quận ngày càng được cải thiện và nâng cao; điều kiện về cơ sở hạ tầng, văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông, viễn thông... ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm mạnh hàng năm. Đồng bào các dân tộc trên địa bàn quận luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất và trong đời sống; giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình,… qua đó góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Trên cơ sở nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tính đặc thù sinh sống đan xen giữa các dân tộc, nên ngoài việc đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc, quận cũng hỗ trợ và tạo điều kiện để cộng đồng các dân tộc xây dựng các cơ sở sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong cộng đồng của mỗi dân tộc. Theo đó, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 theo Kế hoạch số 3693/KH-UBND ngày 11/10/2022 của UBND Thành phố, UBND quận đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 7670/KH-UBND-VHTT ngày 22/11/2022 của UBND quận về thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các DTTS Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn Quận 12 đến năm 2025. Hằng năm, UBND quận đều phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam quận, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quận tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam, với nhiều hoạt động như giới thiệu chính sách, pháp luật trong đồng bào DTTS; trưng bày các Không gian văn hóa DTTS của dân tộc Hoa, Chăm, Khmer, Tày,...; tổ chức hội thi rung chuông vàng tìm hiểu về văn hóa các dân tộc; tổ chức hội thi Ẩm thực Việt - Văn hóa ngàn đời, giới thiệu các món ăn đặc sắc của các DTTS như dân tộc Tày (xôi ngũ sắc, khâu nhục, trâu gác bếp), dân tộc H’Mông (thắng cố, bánh dày), dân tộc Thái (gà nướng cơm lam, pa pỉnh tộp), dân tộc Hoa (sủi cảo, canh sâm bổ lượng hầm sườn non), Chăm (cà ri - cơm nị), dân tộc Khmer (lạp Khmer),…; tổ chức hội thi văn nghệ và trình diễn trang phục các DTTS, với các tiết mục thể hiện văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa, Tày, Thái, Ê đê, H’Mông, Stiêng,… Đồng thời, tổ chức tuyên dương các gương người DTTS tiêu biểu trong giai đoạn 2019 - 2024.
Với vai trò Cụm trưởng Cụm thi đua 3 lĩnh vực công tác dân tộc năm 2019 và 2024, Ủy ban nhân dân quận đã đăng cai tổ chức hội thi tuyên truyền chính sách pháp luật bằng tiếng dân tộc; hội thi văn nghệ và trình diễn trang phục các dân tộc Việt Nam giữa các quận trong Cụm thi đua 3, qua đó tạo sân chơi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các đơn vị; góp phần tôn vinh tiếng nói, trang phục và các nét văn hóa đặc sắc của các DTTS trên địa bàn các quận. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, Chính quyền và các đoàn thể quận, phường luôn quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, rộng khắp, đa dạng, phong phú như Hội chợ hàng tiêu dùng, Hội hoa Xuân nhân dịp Tết Nguyên đán, Đêm hội trăng rằm cho các em thiếu nhi, hội thi văn nghệ và biểu diễn trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer, tháng Ramadan của đồng bào dân tộc Chăm… Do đó các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong quận từng bước được nâng cao, bảo tồn, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tinh thần và sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân.
Ngoài ra, quận cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho hoạt động văn hóa, đồng thời tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức của đồng bào dân tộc nói riêng xây dựng các cơ sở sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng trong cộng đồng, qua đó đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí cho người dân. Trên địa bàn quận cũng phát triển mạnh mẽ các loại hình sinh hoạt văn hóa, văn nghệ - thể thao, góp phần lưu giữ và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người dân tộc thiểu số như hiện Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, Đàn tính hát Then lưu giữ và phát huy những bài ca cổ, trích đoạn cải lương, Câu lạc bộ Dân ca Ba Miền, Sen Vàng lưu giữ và phát huy các làn điệu dân ca, quan họ, hò, lý… Bên cạnh đó, các môn thể thao truyền thống của dân tộc được các tầng lớp Nhân dân tham gia sôi nổi như Mai hoa thung, võ, vật cổ truyền, đua thuyền, đá cầu chinh, kéo co, đẩy gậy... Các hoạt động giao lưu thi đấu thể thao truyền thống các dân tộc diễn ra sôi nổi đã khẳng định phong trào thể dục, thể thao trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã và đang phát triển mạnh mẽ.
Có thể nói, với việc đẩy mạnh định hướng, xây dựng nhiều chính sách về bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn quận đã góp phần làm phong phú, đa dạng đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các nét đẹp văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc, tạo động lực cho phát triển chung của quận./.
ANH THƯ