Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
2
4
6
8
3
1
Tin tức sự kiện 25 Tháng Giêng 2011 4:15:00 CH

Nhớ Tết ngày xưa

Ai cũng biết, tết nhứt do từ chữ “tiết nhựt” mà ra. Tết Nguyên đán tức là Nguyên đán tiết nhựt – ngày tiết đầu tiên trong năm. Người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, quan niệm ngày đầu tiên trong một năm là ngày tối ư quan trọng cho nên đã hình thành nhiều phong tục, tập quán dành riêng cho lễ tết này. Bây giờ hầu hết những phong tục, tập quán ấy không tồn tại nhưng cách đây mấy mươi năm vẫn là điều mà gần như nhà nhà đều tôn trọng, gìn giữ.

 

Có thể nói, chuẩn bị cho cái tết đã bắt đầu từ tháng 06 âm lịch, khi một số người gieo trồng, chăm sóc các loại hoa có mức độ tăng trưởng dài ngày. Gần nhất, sinh động nhất luôn luôn vẫn là vào thời điểm cuối tháng chạp. Chợ búa buôn bán đông vui, tấp nập. Nhà cửa trang hoàng tươm tất. Đường sá dọn dẹp khang trang. Đình chùa, miếu mạo sơn phết vẽ vời lại mới. Có nơi còn dựng nêu, dán câu đối để lưu giữ nề nếp cổ xưa dù nhiều lúc người dựng nêu chưa chắc biết rõ được ý nghĩa, người dán câu đối chưa chắc hiểu biết hết được câu chữ.
Dường như chỉ có ở thôn quê mới thấy hết được sự nhộn nhịp đến thế nào. Suốt cả năm đầu tắt mặt tối lo tìm cái ăn cái mặc, giàu nghèo gì, ngày tết cũng là dịp nghỉ ngơi, nhớ tưởng tới ông bà tiên tổ. Sắp sửa để đón mừng ngày tết không thể nào qua loa, đơn giản được. Thiếu đủ gì cũng phải có nồi bánh tét, soong hầm, trái cây, bánh mứt, trà rượu…, vừa để cúng kiến, vừa để đãi khách viếng thăm đầu năm.
Sự rộn rịp thường ở những ngày giáp tết. Bắt đầu sang năm mới chỉ còn là thủ tục. Trẻ con, người lớn xum xoe trong những bộ áo quần mới, mừng tuổi ông bà cha mẹ, cúng bái tổ tiên, lễ đình lễ chùa rồi sau đó mới thăm viếng xóm giềng, thân bằng quyến thuộc, chúc tụng nhau những điều tốt lành cho năm mới.
Ngày tết thường có nhiều điều kiêng kỵ. Những điều kiêng kỵ trở thành truyền thống nên không ai bảo ai vẫn nhất nhất tuân theo như là luật bất thành văn.
Ngay từ chiều ba mươi đã lo quét dọn cửa nhà, giặt giũ áo quần, mùng màn chiếu gối. Nước nôi phải chứa trong vại, trong lu đầy đủ. Rồi thì chổi được đem cất kỹ trong nhà, sợ có kẻ lấy trộm, cả năm của cải sẽ bị dọn sạch. Miệng giếng được đậy kỹ, e sợ ôn hoàng rải bệnh dịch vào trong nước, uống vào sẽ nguy hại chết người. Chỉ đến khi nào, tết giếng xong mới được “động chổi, động gàu”. Mà thường thì phải đến hết ngày mùng 03 tết mới có việc tết nhà, tết giếng vì còn để cho thần nhà, thần giếng có thời gian nghỉ ngơi. Nhà có rác rưởi bao nhiêu cũng cứ để vậy, hoặc nhiều lắm là gom lại trong góc nhà. Quét ra ngoài vườn sợ “động đất” vừa sợ của tiền theo đường chổi quét mà ra ngoài hết. Muốn hái lá, muốn bẻ cây gì cũng phải đợi sau khi làm lễ tết cây, tết vườn cái đã. Nhà có nuôi trâu bò, heo qué thì phải có tết chuồng… Thôi thì đủ thứ tết! Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc cúng giao thừa, đón mừng năm mới không thể nào thiếu được. Sau đó là việc xuất hành theo phương hướng, giờ giấc đã định cho mỗi năm để mong cầu được lợi, được phước, rồi muốn đi đâu sẽ đi.
Ngày thường dù không ưa nhau nhưng trong ba ngày tết nếu có gặp mặt nhau cũng cười với nhau một tiếng để “dĩ hoà vi quý”. Trong nhà, cả với người ngoài, phải kiêng cử, không được lớn tiếng kình cãi, tranh chấp để tránh việc lộn xộn, xui xẻo cả năm.
Ngày đầu năm có lệ đến chùa hái lộc, thường là hái sung, để cầu mong cho được sung túc. Nói đến hái lộc, tôi lại nhớ đến cô tôi. Năm nào cũng vậy, ngày tết cô về lễ ông bà. Lúc ăn trầu nói chuyện, thế nào cô cũng ăn một miếng, lại gói cất vào túi một miếng để đem về nhà gọi là lấy lộc. Có điều, cô lấy lộc từ nhà cha mẹ mình để đem về nhà chồng thì hơi khó coi. Mà chẳng biết lộc có theo về với cô hay không. Đó là chuyện ngày trước. Bây giờ, việc hái lộc đầu năm vẫn còn tồn tại, lại có phần rộng khắp, nhưng dường như không còn mang ý nghĩa thuần tuý như xưa. Phần đông về chùa hái lộc có tính cách chạy theo phong trào. Thấy người bẻ cành, bứt lá, hái hoa thì cũng thuận tay mà làm theo nên cành gì cũng bẻ, lá gì cũng lặt, hoa gì cũng hái. Sau mấy ngày đầu năm, cây lá bông hoa nhà chùa tan nát, trơ trụi. Ở quê tôi, mấy ngày tết người ta còn chặt mía cây để nguyên cả đọt lá bày bán dọc theo đường phố, gọi là bán lộc. Vậy mà cũng có nhiều người đến mua. Lộc mà mua bán thì hết còn ý nghĩa!
Tôi xa quê đã nhiều năm, nhưng không có tết nào là không về quê. Cái hơi tết ở quê hương quyến rũ, đậm đà không sao quên được. Mấy ngày tết ở quê gặp lại thân bằng quyến thuộc, bạn bè xưa, uống ly trà, ăn miếng mứt, nói chuyện mới, ôn chuyện cũ thì còn gì quý hơn! Một số phong tục tập quán xa xưa của ngày tết cổ truyền đã không còn nữa nhưng ý vị ngày tết vẫn không thay đổi.
Vâng, phong tục tập quán đều có cái hay, cái dở. Cái hay thì nên phát huy, gìn giữ. Cái dở thì nên cải tiến, sửa đổi. Dù như thế nào thì Tết Nguyên đán muôn đời vẫn là nguồn gốc, là thuần tuý Việt Nam.
 
 
Tin, ảnh: Trà Kim Long

Số lượt người xem: 3399    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày