Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
3
9
9
9
0
1
8
Tin tức sự kiện 25 Tháng Giêng 2011 4:45:00 CH

Nhớ... mùa Xuân đầu tiên

Đại thắng mùa xuân năm 1975 có thể nói là thắng lợi vĩ đại nhất của dân tộc ta trong suốt 4000 năm của lịch sử dân tộc. Với chiến thắng này, từ đây nhân dân ta sẽ có được một cuộc sống ấm no, thanh bình. Là người Việt Nam ai mà không vui mừng cho được, bởi bao nhiêu năm rồi người dân Việt Nam đã phải đón từng cái Tết trong khói lửa đạn bom, thật khó mà kể hết cho được.

 

Từ cái Tết năm Bính Thìn năm 1976, “mùa xuân đầu tiên” đã đến với dân tộc Việt Nam trong một không khí khác hẳn những mùa xuân trước. Đó là mùa xuân đầu tiên mở đầu cho những mùa xuân thanh bình trong tương lai. Hòa trong niềm vui của đất nước, đã có một nhạc sĩ cho ra đời một ca khúc mà từ đó cho đến nay vẫn sống mãi. Đó chính là bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao – một bậc thầy trong nền âm nhạc Việt Nam.
Văn Cao cảm nhận mùa xuân thanh bình đầu tiên của đất nước có vẻ gì đó thật trầm lắng, không phải ông không vui, ông rất vui đấy chứ, nhưng với một tâm hồn nghệ sĩ ông đã có một cách cảm nhận cho riêng mình. Năm 1976, khi Văn Cao viết bài “Mùa xuân đầu tiên” là đúng 20 năm ông mới sáng tác trở lại sau nhiều biến cố của cuộc sống. Bao nhiêu cảm xúc của một thời gian dài dồn nén bấy lâu nay đã bừng lên trong ông với nhiều cung bậc đầy sức biểu cảm. Dù thời gian này đã qua sự kiện 1975 nhưng rõ ràng đây là ca khúc viết về mùa xuân lịch sử của đất nước chứ không phải là xuân của thời tiết, tháng năm.
Trong suốt cuộc đời mình từ thưở ấu thơ, dường như Văn Cao chẳng có mùa xuân nào cảm thấy trọn vẹn như Mùa Xuân thống nhất năm 1976. Một mùa xuân mà ông thấy trẻ lại, cảm thấy những ngày đầu năm 1976 cũng rạo rực chẳng khác gì năm 1946. Lần đầu tiên sau 30 năm, cả hai miền cùng ăn chung một cái Tết Thống Nhất. Niềm hân hoan chợt dấy lên trong lòng Văn Cao và ông đã bắt đầu ngồi vào sáng tác...
Mùa xuân dặt dìu theo con én lượn về, một mùa vui nay đã trở về trên đất nước Việt Nam bởi mùa xuân này là một mùa vui không chỉ của riêng một ai mà của cả một dân tộc. Mùa xuân của Văn Cao chỉ đơn giản là tiếng gà gáy xa xa, những giọt nắng trưa vàng, những sợi khói bồng bềnh len nhè nhẹ qua vòm cây, kẽ lá nhưng nó lại có sức lay động lòng người. Không bao lâu trước đây, biết bao người đã đón xuân bên tiếng súng nổ vang trời, mùa xuân trong chiến tranh là thế. Khác hẳn với lúc ấy, bây giờ người ta đã cảm thấy mùa xuân về bình thường hơn bởi nó có cái gì đó thanh thản và nhẹ nhõm.
“ Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa trên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…”
Người người hớn hở trước cảnh mùa xuân tươi mới nhưng mùa xuân thanh bình đầu tiên của Văn Cao còn có những giọt nước mắt của buổi đoàn tụ: nước mắt của những bà mẹ có những người con là những chiến sĩ, những tử tù không mong ngày về, nước mắt trong lần gặp mặt đầu tiên với người thân, gia đình. Văn Cao cảm thấy xao xuyến trước hình ảnh người mẹ già đón con về sau cuộc chiến, nước mắt của họ đã rơi thật nhiều giữa giây phút trùng phùng thiêng liêng này. Nhưng Văn Cao vẫn tin tưởng về một cuộc đời êm ấm trong tầm tay của những người con trở về:
“ …Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm…”
Thông qua bài hát, Văn Cao còn muốn chuyển tải đến cho người nghe những giá trị nhân văn thật cao cả - những giá trị mà chúng ta cần đạt được sau mùa xuân đại thắng. Đó chính là chúng ta không nên ngủ quên trong chiến thắng mà quên đi mọi thứ còn đang ở phía trước. “Mùa xuân đầu tiên” không chỉ là mùa xuân của hoan ca mà còn là mùa xuân của sự bừng tỉnh nhận ra tính nhân bản bị đánh mất trong chiến tranh cần phải được đánh thức trong mỗi con người. Dường như ông đã giành tình cảm của mình không chỉ cho những đồng bào ngay bên cạnh mình mà còn hướng cả về những người con xa xứ của đất nước, ngày ngày mong được trở về đất nước:
“…Từ đây người biết yêu người
Từ đây người biết thương người 
Từ đây người biết yêu người…”
Đoạn cuối bài ca, Văn Cao lại một lần nữa khẳng định rằng mùa xuân này là “mùa xuân mơ ước”, “xưa có về đâu”:
“…Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa trên sông
Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông…”
Viết về mùa xuân nhưng Văn Cao không mô tả hoa mai, hoa đào cũng như không mô tả không khí tưng bừng rộn rã cùng với pháo rượu, những lời chúc tụng sang giàu, mưu cầu no đủ. Nhưng bài hát đã thật sự đi sâu vào lòng người bởi niềm xúc cảm của tác giả trước cảnh đất nước thanh bình dường như đã được chia đôi cho người thưởng thức.
Đến nay, hơn 35 năm sau “Mùa xuân đầu tiên”, nhìn lại một đất nước sôi động của nhịp sống hiện đại, thành công trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như đã trải qua không ít thăng trầm, khó khăn còn chưa thực hiện được… ai ai cũng thấy như những sắc xuân đang về với quê hương, đất nước mình.
“Mùa xuân đầu tiên” đã đi qua một chặng đường dài, kể từ một mùa vui…Bây giờ, sau hơn 35 năm, lời ca cất lên, lại thấy bài hát như hát cho hôm nay. Bởi thế, mỗi độ xuân về, chúng ta hãy lắng lòng lại, nghe “Mùa xuân đầu tiên” và sẽ thấy được “một trưa nắng vui…” trong tâm hồn như đang từng ở thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy.
 
 
Tin, ảnh: Thu Anh

Số lượt người xem: 3336    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày