Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
3
9
1
4
8
1
Tin tức sự kiện 29 Tháng Sáu 2011 3:35:00 CH

Biển đảo Việt Nam

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển có vai trò, vị trí rất quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của nước ta.

 

Trong Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2007 “về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Đảng ta đã xác định mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.
* Vị trí, vai trò và tiềm năng của biển, đảo Việt Nam
Biển, đảo là một bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cùng với đất liền tạo ra môi trường sinh tồn và phát triển đời đời của dân tộc ta. Ông cha ta bao đời đã gắn bó với biển, thông qua biển để dựng nước và giữ nước. Đó cũng chính là nét độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam cần được giữ vững và phát huy hơn nữa trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khoa học - kỹ thuật, toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Càng tự hào và trân trọng di sản quá khứ, chúng ta càng phải khai thác, khơi dậy nguồn sức mạnh của bao thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Ngày xưa ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
* Về địa kinh tế và địa chính trị của biển đảo Việt Nam
Việt Nam nằm trên bờ biển Đông, có vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2 Bờ biển Việt Nam dài trên 3.260 km ở cả 3 hướng Đông, Nam, Tây Nam. Trung bình khoảng 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp 6 lần tỉ lệ bình quân của thế giới. Không một nơi nào trên đất nước ta xa biển hơn 500km.
Vùng biển nước ta có khoảng 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 3.000 hòn đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Vùng biển và ven biển Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương; giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực. Biển Đông đóng vai trò là chiếc “cầu nối” cực kỳ quan trọng, là điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, khu vực phát triển kinh tế năng động và có nhiều trung tâm kinh tế lớn trên thế giới.
Biển và vùng ven biển là cửa mở lớn, là “mặt tiền” quan trọng của đất nước để thông ra Thái Bình Dương và mở cửa ra nước ngoài. So với các vùng khác trong nội địa, vùng ven biển gồm hầu hết các đô thị lớn có kết cấu hạ tầng khá tốt; có các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước đang được đầu tư, phát triển mạnh; có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, trong đó một số loại có thể trở thành mũi nhọn để phát triển; có nguồn lao động dồi dào và hệ thống giao thông đường sắt, đường thủy, đường bộ thuận tiện; là môi trường hết sức thuận lợi để tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tiếp thu công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý hiện đại của nước ngoài, từ đó lan tỏa ra các vùng khác trong nội địa. Vùng ven biển là vùng có nhiều lợi thế hơn hẳn các vùng khác để phát triển kinh tế nhanh.
Sự hình thành mạng lưới cảng biển cùng các tuyến đường bộ, đường sắt dọc ven biển và nối với các vùng sâu trong nội địa (đặc biệt là các tuyến đường xuyên Á) tạo điều kiện thuận lợi cho vùng biển và ven biển nước ta có khả năng chuyển tải hàng hóa xuất, nhập khẩu tới mọi miền Tổ quốc, đồng thời thu hút cả vùng Tây Nam Trung Quốc, Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia.
Trong 63 tỉnh, thành phố nước ta, có 28 tỉnh, thành phố giáp biển. Đa số các thành phố, thị xã đều nằm ở ven sông, cách biển không xa, nhất là các thành phố, thị xã ở Trung Bộ nằm sát ven biển, có đường quốc lộ 1A chạy qua. Khu vực ven biển cũng là nơi tập trung các trung tâm công nghiệp lớn, có nhiều sân bay, cảng biển quan trọng, các căn cứ hải quân, kho tàng, các công trình kinh tế - quốc phòng khác. Các tỉnh, thành phố ven biển có các cảng, cơ sở sửa chữa, đóng tàu, đánh bắt hoặc chế biến hải sản, làm muối…thu hút hơn 13 triệu lao động, góp phần to lớn vào việc ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh - quốc phòng.
Trong chiến lược biển năm 2020, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; có chính sách hấp dẫn nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển biển; xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải gắn với các hoạt động kinh tế biển làm động lực quan trọng đối với sự phát triển của cả nước. (còn tiếp)
 
 
Tin: BTG

Số lượt người xem: 4179    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày