NGHỊ QUYẾT
Về chương trình công tác toàn khóa của Hội đồng nhân dân quận
khóa IV, nhiệm kỳ 2016 - 2021
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN QUẬN 12
KHÓA IV - KỲ HỌP THỨ 2
(Ngày 09 và ngày 10 tháng 8 năm 2016)
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận lần thứ V nhiệm kỳ 2015 – 2020 và tình hình thực tế của địa phương;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số: 12/TTr-TTHĐND ngày 08/8/2016 của Thường trực Hội đồng nhân dân quận về Chương trình công tác toàn khóa của Hội đồng nhân dân quận và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân quận,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Chương trình công tác toàn khóa của Hội đồng nhân dân quận như sau:
I. Hoạt động của HĐND:
1. Về các kỳ họp:
1.1. HĐND quận họp thường kỳ mỗi năm 02 kỳ:
1.1.1. Kỳ họp thứ 01 vào tháng 7 hàng năm:
Nội dung kỳ họp: HĐND xem xét các báo cáo:
- Báo cáo hoạt động của HĐND quận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.
- Kết quả thực hiện các nghị quyết của HĐND quận.
- Báo cáo của Ủy ban Nhân dân (UBND) quận về quyết toán ngân sách năm trước.
- Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; xem xét, quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm.
- Xem xét và cho ý kiến về các tờ trình, đề án, các báo cáo của UBND quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) quận.
- Thông qua chương trình giám sát năm sau.
- Xem xét việc chất vấn và trả lời chất vấn.
- Xem xét thông qua các tờ trình và quyết nghị thông qua các nghị quyết thường kỳ, nghị quyết chuyên đề do Thường trực HĐND và UBND quận trình.
1.1.2. Kỳ họp thứ 02 vào tháng 12 hàng năm:
Nội dung kỳ họp: HĐND xem xét các báo cáo:
- Báo cáo hoạt động của HĐND quận.
- Các báo cáo của UBND quận:
+ Báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trong năm; nhiệm vụ trọng tâm năm sau;
+ Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, giai đoạn 2016 - 2020;
+ Báo cáo về thu, chi ngân sách quận trong năm; ước thực hiện thu, chi ngân sách cả năm và dự toán thu, chi ngân sách năm sau; phương án phân bổ ngân sách địa phương và phân bổ nguồn vốn năm sau;
+ Báo cáo tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong năm và nhiệm vụ giải pháp năm sau;
+ Báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp của HĐND quận.
- Báo cáo của TAND quận về công tác xét xử.
- Báo cáo của VKSND quận về công tác kiểm sát.
- Tiến hành giám sát, khảo sát và chất vấn một số ngành về trách nhiệm chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách.
- Xem xét thông qua các tờ trình và quyết nghị thông qua các nghị quyết thường kỳ, nghị quyết chuyên đề do Thường trực HĐND và UBND quận trình.
Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND, theo đề nghị của Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN), Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND quận, Thường trực HĐND dự kiến chương trình các kỳ họp thường kỳ của HĐND.
1.2. Họp bất thường:
HĐND họp bất thường khi Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND cùng cấp hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND yêu cầu.
Nội dung kỳ họp:
- Xem xét, thảo luận các giải pháp giải quyết những vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
- Công tác nhân sự (nếu có).
- Theo yêu cầu của đơn vị hoặc số đại biểu yêu cầu họp bất thường.
1.3. Kỳ họp cuối nhiệm kỳ:
Xem xét một số báo cáo trọng tâm công tác trong nhiệm kỳ của Thường trực HĐND, UBND, TAND, VKSND quận.
2. Về xây dựng nghị quyết của HĐND quận:
Chủ động phối hợp với UBND quận chuẩn bị đề án, tờ trình, báo cáo theo chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND quận đảm bảo chất lượng, đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phân công các Ban của HĐND quận thẩm tra các đề án, tờ trình, báo cáo trình kỳ họp HĐND quận.
3. Hoạt động giám sát:
HĐND thông qua chương trình giám sát hàng năm tại kỳ họp thường kỳ giữa năm trước.
HĐND quận thực hiện giám sát tại kỳ họp thông qua việc xem xét các báo cáo của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND; báo cáo của UBND quận về tình hình kinh tế - xã hội, về quyết toán ngân sách, về phân bổ ngân sách, về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri, về phòng chống tham nhũng...; báo cáo của Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND và Chi cục thi hành án dân sự quận; tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.
HĐND quận thực hiện giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát hàng năm của HĐND quận.
4. Về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm:
HĐND quận tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ quyền hạn do HĐND bầu theo quy định tại Điều 88 và Điều 89 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
5. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân:
- Thực hiện tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND.
- Tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo giới.
- Tổ chức tiếp công dân theo luật định.
- Nâng cao chất lượng, quy trình hoạt động xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
6. Hoạt động trao đổi kinh nghiệm:
Tổ chức cho đại biểu HĐND quận đi nghiên cứu, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm theo yêu cầu nhằm nâng cao kỹ năng hoạt động, kinh nghiệm thực tiễn về công tác dân cử.
II. Hoạt động của Thường trực HĐND:
1. Chuẩn bị nội dung và tổ chức các kỳ họp HĐND:
- Triệu tập đại biểu và thư mời thành phần tham dự các kỳ họp HĐND theo quy định.
- Phối hợp với UBND quận chuẩn bị nội dung kỳ họp HĐND quận.
- Căn cứ vào Nghị quyết của HĐND, theo đề nghị của Chủ tịch UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND quận, Thường trực HĐND dự kiến chương trình kỳ họp HĐND trình HĐND quyết định.
- Chủ tịch HĐND khai mạc và bế mạc kỳ họp, chủ tọa phiên họp HĐND, bảo đảm thực hiện chương trình kỳ họp và những quy định về kỳ họp HĐND. Phó Chủ tịch HĐND giúp Chủ tịch HĐND điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch HĐND.
2. Phiên họp Thường trực HĐND:
Thường trực HĐND quận họp thường kỳ mỗi tháng một lần. Khi xét thấy cần thiết, Thường trực HĐND có thể họp đột xuất theo đề nghị của Chủ tịch HĐND.
Đại diện UBND, UBMTTQVN quận được mời tham dự phiên họp Thường trực HĐND; đại diện TAND, VKSND, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội quận, các cơ quan, tổ chức hữu quan có thể được mời tham dự phiên họp Thường trực HĐND khi bàn về vấn đề có liên quan.
Tại phiên họp, Thường trực HĐND thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. UBND, TAND, VKSND, các Ban của HĐND, người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm chuẩn bị các dự án, đề án, báo cáo thuộc nội dung chương trình phiên họp theo sự phân công của Thường trực HĐND hoặc theo nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định.
Thường trực HĐND yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình các vấn đề liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND.
3. Hoạt động giám sát:
- Xây dựng chương trình giám sát hàng năm của HĐND trình HĐND quận thông qua tại kỳ họp thường kỳ giữa năm trước.
- Căn cứ vào chương trình giám sát hàng năm của HĐND, ý kiến của các thành viên thường trực HĐND, đề nghị của các Ban của HĐND, đại biểu HĐND, UBMTTQVN quận và ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương, Thường trực HĐND quyết định chương trình giám sát hàng năm của Thường trực HĐND quận.
- Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban của HĐND; xem xét kết quả giám sát của các Ban của HĐND khi xét thấy cần thiết và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
- Nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát; tổng hợp kết quả giám sát báo cáo HĐND quận tại các kỳ họp thường kỳ.
- Giám sát, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của HĐND quận và những vấn đề bức xúc mà cử tri và HĐND quận quan tâm.
- Giám sát và cho ý kiến về các văn bản của UBND quận, UBND phường trình.
- Xem xét quyết định của UBND quận, nghị quyết của HĐND các phường.
- Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn tại phiên họp Thường trực HĐND trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND.
- Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Tổ chức giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát hàng năm của HĐND quận.
- Báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Thường trực HĐND với HĐND vào kỳ họp giữa năm sau.
4. Công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri:
- Tổ chức để đại biểu HĐND quận tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND; công tác tiếp công dân theo quy định.
- Đôn đốc, kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
- Tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để báo cáo tại kỳ họp HĐND.
5. Một số công tác khác:
- Triển khai Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực UBMTTQVN quận.
- Tham gia tích cực vào nhiệm vụ chính trị của quận, đặc biệt là công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 trên địa bàn quận.
- Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ hoạt động của HĐND quận.
- Giữ mối liên hệ và phối hợp công tác với Ban Thường trực UBMTTQVN quận; mỗi năm hai lần thông báo cho UBMTTQVN quận về hoạt động của HĐND.
- Giữ mối liên hệ với đại biểu HĐND quận.
- Tham gia các hoạt động thăm hỏi các gia đình có công, gia đình chính sách và nhân dân trên địa bàn quận.
- Báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, năm... theo quy định.
- Tổ chức tập huấn cho đại biểu HĐND quận, phường.
- Tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động của HĐND quận, phường.
III. Hoạt động của các Ban của HĐND:
1. Trách nhiệm của các Ban của HĐND:
Ban Pháp chế chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực thi hành Hiếp pháp và pháp luật, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng chính quyền địa phương và quản lý địa giới hành chính ở địa phương.
Ban Kinh tế - xã hội chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, đô thị, giao thông, xây dựng, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, tài nguyên và môi trường, chính sách tôn giáo ở địa phương.
2. Tham gia chuẩn bị nội dung các kỳ họp:
- Tham gia chuẩn bị nội dung của kỳ họp HĐND liên quan đến lĩnh vực phụ trách.
- Thẩm tra dự thảo, nghị quyết, báo cáo, đề án liên quan đến lĩnh vực phụ trách do HĐND hoặc Thường trực HĐND phân công.
3. Công tác giám sát, khảo sát:
- Căn cứ vào chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và ý kiến các thành viên của Ban, các Ban của HĐND lập chương trình giám sát hàng năm. Chương trình giám sát hàng năm được xem xét, quyết định vào cuối năm trước.
- Giúp HĐND giám sát hoạt động của TAND, VKSND; giám sát hoạt động của UBND và cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận trong các lĩnh vực phụ trách; giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi phụ trách.
- Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các Ban của HĐND thường xuyên theo dõi việc ban hành quyết định của UBND quận và nghị quyết của HĐND các phường.
- Tổ chức khảo sát tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực phụ trách do HĐND hoặc Thường trực HĐND quận phân công.
- Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân.
- Tổ chức giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát của HĐND.
- Báo cáo kết quả giám sát đến HĐND, Thường trực HĐND.
- Báo cáo công tác trước HĐND; trong thời gian HĐND không họp thì báo cáo Thường trực HĐND.
IV. Hoạt động của Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND:
1. Tổ đại biểu HĐND:
- Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND quận trên địa bàn hoặc về các vấn đề do HĐND hoặc Thường trực HĐND quận phân công.
- Nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị đóng góp ý kiến cho kỳ họp HĐND; tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp HĐND và để đại biểu HĐND báo cáo với cử tri về kết quả kỳ họp sau kỳ họp HĐND.
- Tổ chức để đại biểu HĐND giám sát việc thi hành pháp luật trên địa bàn nơi đại biểu ứng cử.
- Chịu trách nhiệm và báo cáo về hoạt động giám sát của mình, báo cáo về hoạt động của đại biểu HĐND trong tổ với Thường trực HĐND.
2. Đại biểu HĐND:
- Hoạt động chất vấn theo quy định.
- Giám sát quyết định của UBND quận và nghị quyết của HĐND các phường.
- Thực hiện phối hợp với Thường trực, các Ban của HĐND quận tiến hành giám sát tại địa phương nơi cư trú, công tác.
- Phối hợp tham gia một số cuộc giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND quận khi có thư mời.
- Giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương.
- Giám sát về tình hình triển khai và kết quả thực hiện việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm; thực hiện cơ chế một cửa.
- Báo cáo về hoạt động giám sát của mình trước cử tri thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri.
- Theo đơn vị bầu cử, các đại biểu cần phối hợp chặt chẽ với Tổ đại biểu, chính quyền địa phương và Ban Thường trực UBMTTQVN phường để theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kiến nghị của cử tri được UBND quận giải trình tại các kỳ họp.
Ngoài những nội dung trên, căn cứ vào tình hình thực tế của quận, hàng năm Thường trực HĐND quận sẽ điều chỉnh, bổ sung chương trình hoạt động của HĐND quận và báo cáo với HĐND quận tại kỳ họp gần nhất.
Điều 2. Trên cơ sở chương trình công tác toàn khóa, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND quận chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện theo từng tháng, quí, năm. Thời gian thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân quận, các Ban Hội đồng nhân dân quận,Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân quận triển khai thực hiện. Ủy ban nhân dân quận, các cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND quận thực hiện công tác đạt kết quả.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau 07 ngày, kể từ ngày thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân Quận 12 khóa IV thông qua ngày 10 tháng 8 năm 2016, tại kỳ họp thứ 2./.