Những năm gần đây, hoạt động an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều tập thể, cá nhân cùng chung tay chăm lo cho người nghèo, người già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Trong đó, điển hình như gia đình cô Hồ Thị Hiệp, ngụ 84/1, khu phố 1, phường Thới An là một trong những gương điển hình tiên tiến trong công tác xã hội này.
Gia đình cô Hồ Thị Hiệp
Cô giáo Hồ Thị Hiệp (sinh năm 1962) - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (phường Thới An) và Trường Mầm non Hoa Mai 2 (phường Tân Thới Hiệp) là người mộc mạc, giản dị nhưng lại là một cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, có nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người, được bạn bè, đồng nghiệp và các bậc phụ huynh yêu mến. Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, từ một cô giáo trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, trở thành cán bộ quản lý giỏi là cả quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng của cô giáo. Tốt nghiệp khoa Sư phạm mầm non năm 1983, trở thành cô giáo giữ trẻ, khi hoạt động xã hội hóa giáo dục phát triển, cô mạnh dạn sử dụng nguồn tiết kiệm ít ỏi của mình để thành lập ngôi trường riêng và tự quản lý. Dù ở cương vị nào, cô cũng luôn tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, cùng tập thể cán bộ, giáo viên tìm giải pháp thực hiện tốt các cuộc vận động lớn, các phong trào thi đua của ngành. Hai Trường mầm non Hoa Mai và Hoa Mai 2 trên địa bàn phường Thới An và Tân Thới Hiệp, từ ngày đầu mới thành lập, cơ sở vật chất trang thiết bị đồ dùng dạy học còn thiếu thốn đủ bề, đời sống của cán bộ, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Là người lãnh đạo, cô Hiệp luôn trăn trở suy nghĩ, tìm cách khắc phục. Từ bước khởi đầu vào năm 2000 với chỉ có 2 lớp trẻ, rồi đến 5 lớp, 8 lớp, giờ đây, nhà trường có đầy đủ các phòng chức năng cho các cháu vui chơi học tập, trước sự vui mừng, phấn khởi của cán bộ, giáo viên và đông đảo tầng lớp bà con nhân dân trên địa bàn. Từ đó nhà trường bắt đầu có chủ trương xét miễn, giảm học phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm bình quân từ 80 đến 100 cháu được miễn, giảm học phí. Là người “đứng mũi chịu sào”, cô không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mà cô còn vận động cán bộ giáo viên, các đoàn thể, doanh nghiệp ủng hộ ngày công lao động cùng chung tay đóng góp vào các hoạt động xã hội tại địa phương và các vùng lân cận, phần nào đã giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Một người bạn đồng hành không thể thiếu trong công việc cũng như trong cuộc sống của cô Hiệp chính là người bạn đời của cô - chú là Nguyễn Ngọc Chí (sinh năm 1962). Ngoài việc cùng cô quản lý các công việc của Trường, chú hiện là hội viên tích cực của Hội Chữ thập đỏ phường Tân Thới Hiệp. Chú suy nghĩ, trước kia gia đình cũng khổ, nên đồng cảm và chia sẻ nỗi khó khăn với người nghèo, sau này mình khá lên có điều kiện thì giúp đỡ người khác, với tinh thần lá lành đùm lá rách. Vợ chồng cô chú thường xuyên chung tay cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ cho người nghèo, những cảnh đời kém may mắn, tạo điều kiện để họ có cuộc sống ổn định, góp phần cùng chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu giảm nghèo, thực hiện chính an sinh xã hội ở địa phương… Chỉ tính từ năm 2010 đến 2015, hằng năm vợ chồng cô chú thường xuyên đóng góp quỹ Vì người nghèo tại địa phương từ 20 đến 50 triệu đồng, tặng 100 phần quà và xây dựng nhà tình thương cho người nghèo ở xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn và xã Minh Đức, Mõ Cày, Bến Tre. Cô cho biết: Đóng góp cho người nghèo, giúp đỡ người nghèo là hoạt động có ý nghĩa, mình phải làm từ cái tâm của mình. Mỗi lần đi phát quà như vậy, nhìn bà con vui mừng khi nhận được phần quà hỗ trợ,vợ chồng tôi thấy vui. Còn chú xem cái việc làm từ thiện này là cái nghề, cho rằng đây là việc làm có lời, lời là mình đã tích được cái đức cho đời sau. Mỗi khi trao quà cho người nghèo chú cảm thấy mình rất hạnh phúc. Do vậy, cô chú cứ làm ngày này qua ngày khác mà không biết mệt mỏi. Nhìn lại chặng đường làm công tác xã hội của gia đình cô chú đã góp phần đáng kể cùng địa phương làm vơi đi nổi khó khăn của nhiều gia đình không may gặp bất hạnh. Không những thế, những việc làm này của cô chú cũng thể hiện tinh thần học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác của những người đảng viên đi đầu trong mọi hoàn cảnh.
Ông bà ta có câu “Của cho không bằng cách cho”, nhìn cô chú cùng các con chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng cho từng phần quà, gạo, trân trọng, ân cần khi tặng đến tận tay từng người nhận mà thấy được sự tôn trọng, thương yêu, sẵn sàng giúp đỡ cho mọi người của gia đình chú. Hy vọng rằng, trong thời gian tới có nhiều tấm gương khác cùng với chính quyền địa phương chăm lo cho người nghèo có điều kiện tốt trong cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp và văn minh.
Anh Thư (BT)