Rác thải đang là vấn đề bức xúc ở nước ta hiện nay. Mỗi năm có khoảng hơn 15 triệu tấn chất thải rắn phát sinh trên cả nước và theo dự báo thì tổng lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng trong những thập kỷ tới đây, đặc biệt ở các đô thị lớn, khu du lịch. Trong số hơn 15 triệu tấn chất thải rắn có khoảng 12,8 triệu tấn (khoảng 80% tổng lượng chất thải) phát sinh từ các hộ gia đình, nhà hàng, chợ, khu kinh doanh. Lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị ở nước ta phát sinh ngày càng tăng, tính trung bình mỗi năm tăng khoảng 10-15%, theo kết quả điều tra tổng thể năm 2006 - 2007 cho thấy, đô thị có lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh lớn nhất là TP. Hồ Chí Minh (5.500 tấn/ngày), Hà Nội (2.500 tấn/ngày). Tuy chỉ có 2 đô thị nhưng tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tới 8.000 tấn/ngày (2.920.000 tấn/năm) chiếm 45,24% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị trên cả nước.
Từ trước tới nay, phần lớn rác thải sinh hoạt đô thị ở nước ta không được tiêu huỷ một cách an toàn ,chủ yếu vẫn là đổ ở các bãi thải lộ thiên không có sự kiểm soát, gây ra nhiều vấn đề môi trường cho dân cư quanh vùng mùi hôi và nước rác là nguồn gây ô nhiễm cho môi trường đất, nước, không khí và là ổ phát sinh ruồi, muỗi, chuột, bọ. Việc chôn lấp rác đã và đang gây những tác động nhiều mặt đến môi trường sống của cộng đồng: Tốn diện tích đất rất lớn để chôn rác; Gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường sống cho dân chúng sống cạnh hố chôn rác; Nước thải từ các đống rác chứa nhiều chất độc hại, kim loại nặng gây ô nhiễm đất và ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp; Những bãi chôn rác thường ở xa các đô thị nên tốn kém cho công đoạn chuyên chở rác; Các loại túi ni lông đựng rác khi chôn không bị phân hủy, tồn tại rất lâu trong đất dẫn đến làm giảm độ phì nhiêu đất.Từ đặc điểm này cho thấy muốn tận dụng các chất thải hữu cơ sinh hoạt làm phân bón, cần thiết phải tiến hành thu gom và phân loại rác ngay tại nguồn. Việc phân loại rác tại nguồn ngay tại các hộ gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, cơ sở dịch vụ đem lại nhiều lợi ích như:
1. Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước.
2. Tiết kiệm năng lượng.
3. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhờ giảm thiểu lượng khí mêtan ( CH4 ) và CO2 phát sinh từ các bãi chôn lấp, vốn là những khí gây hiệu ứng nhà kính;
4. Giảm tối đa khối lượng nước rác rò rỉ,đồng thời nước rò rỉ được xử lý dễ dàng hơn.
5. Giảm gánh nặng ngân sách chi cho công tác vệ sinh đường phố, vận chuyển và xử lý.
PHÒNG VĂN HÓA - THÔNG TIN