Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
1
3
3
7
5
7
Tin tức sự kiện 13 Tháng Chín 2017 1:40:00 CH

Quan niệm của Hồ Chí Minh về suy thoái tư tưởng chính trị

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, trước hết là những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng. Ngay từ tháng 10/1947, hai năm sau khi giành được chính quyền, Người đã yêu cầu cán bộ, đảng viên sửa đổi lối làm việc, chỉ rõ phải đấu tranh với những hiện tượng thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”.

Người phê phán những đảng viên dao động, thiếu lý tưởng cách mạng “Nếu chỉ có công tác thực tế, mà không có lý tưởng cách mạng, thì cũng không phải là người đảng viên tốt. Như thế, chỉ là người sự vụ chủ nghĩa tầm thường”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”.

Người kiên quyết chống những nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người kiên quyết chống những biểu hiện không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác: “Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”.

Trong tự phê bình, phê bình, Người kiên quyết chỉ ra và đấu tranh với những biểu hiện không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì không thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Thấy cái xấu của người mà không phê bình là một khuyết điểm rất to. Không phê bình, tức là để cho cái xấu của người ta phát triển: “Nói về từng người, nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình”.

Người cũng chỉ ra nhiều biểu hiện lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng: “Khi phê bình ai, không phải vì Đảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí”.

Hồ Chí Minh chỉ ra và kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác: “Lại có những người trước mặt thì ai cũng tốt, sau lưng thì ai cũng xấu. Thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Theo gió bẻ buồm, không có khí khái”.

Người phê phán những biểu hiện duy ý chí, áp đặt, bảo thủ, chỉ làm theo ý mình; không chịu học tập, lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác; Kiên quyết chống những biểu hiện tham vọng chức quyền, không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác.

Người đấu tranh với những biểu hiện tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích. (Còn tiếp)

BTG

(Trích tài liệu “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2017”)


Số lượt người xem: 1957    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày