Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với đồng bào và chiến sỹ cả nước, Đảng bộ và nhân dân thành phố nói chung, Đảng bộ và nhân dân các huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, Quận 12 và Quận Gò Vấp (quận Gò Môn xưa) đã đóng góp to lớn sức người, sức của, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Đã có hàng vạn lượt người tham gia chiến đấu, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc.
Vào cuối năm 1959, đầu năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Lực lượng vũ trang cách mạng, nhân dân Miền Nam đã vùng lên khởi nghĩa giành Chính quyền ở nhiều vùng nông thôn. Cách mạng Miền Nam bước sang một giai đoạn phát triển mới, tinh thần của cán bộ, đảng viên và nhân dân tràn đầy khí thế tiến công, trong đó có cán bộ, đảng viên và nhân dân Sài Gòn – Gia Định.
Tháng 5/1961, do yêu cầu phát triển của phong trào, nhằm mở rộng địa bàn hoạt động, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định hợp nhất 2 địa phương Gò Vấp và Hóc Môn thành quận Gò Môn bao gồm 21 xã, thị trấn. Khu ủy quyết định lấy địa bàn Gò Môn làm trọng điểm để chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng toàn vùng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Gò Môn tự trang bị giáo mác, gậy tầm vông vạt nhọn, đồng loạt nổi dậy, xuống đường tuần hành, biểu tình đòi Mỹ cút về nước, kêu gọi binh lính ngụy quay về với nhân dân cùng đấu tranh giải phóng quê hương, giải phóng dân tộc. Trong thời gian ngắn, quần chúng nhân dân đã làm chủ thôn xóm; quân địch co cụm trong các đồn bót không dám hành động.
Đầu năm 1962, địch tiến hành “Quốc sách ấp chiến lược” nhằm cô lập cách mạng miền Nam, giành lại vùng nông thôn, đánh bật lực lượng vũ trang và cơ sở cách mạng của ta ra khỏi nhân dân. Trước tình hình trên, Quân ủy Gò Môn tiến hành củng cố lại lực lượng. Từ Đảng viên đến lực lượng nòng cốt cảm tình với cách mạng đều có sự liên hệ chặt chẽ, kín đáo hơn. Chính nhờ tổ chức bí mật và nửa bí mật mà phong trào vũ trang tuyên truyền kết hợp binh vận, biệt động, đánh ngụy ngay tại quận lỵ lại tiếp tục phát triển và dành được những thắng lợi quan trọng. “Quốc sách ấp chiến lược” bị quân Sài Gòn – Gia Định, trong đó có quân dân Gò Môn phá rã ngay sào huyệt của chúng. Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961- 1965) của Mỹ bị phá sản, chúng chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở Miền Nam Việt Nam.
Ở vùng ven đô, chúng tăng cường các hoạt động quân sự nhằm tìm diệt cơ quan lãnh đạo của Thành ủy, Quận ủy, lực lượng vũ trang; đánh phá các cơ sở hậu cần, kho vũ khí, đạn dược của ta. Khu ủy Sài Gòn – Gia Định triệu tập hội nghị và đưa ra quyết định: nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là gấp rút chọn người từ các quận ven đô để tập trung huấn luyện, hình thành 6 Tiểu đoàn mũi nhọn, trong đó có Tiểu đoàn 2 Gò Môn (Tiểu đoàn 2 Quyết Thắng). Riêng các đội biệt động thống nhất lại hình thành đơn vị Biệt động F100 và đặc công được bố trí ra ven đô, cạnh các tiểu đoàn mũi nhọn. Địa bàn quận Gò Môn có Đội biệt động 67A, 67B tiếp tục hoạt động mạnh mẽ, tạo nhiều trận đánh táo bạo ngay vùng địch kiểm soát, gây cho chúng bạt hồn kinh vía, chia lửa với các trận đánh vũ trang.
Giữa năm 1965, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định quyết định thành lập Phân khu Gò Môn (thay cho Quận Gò Môn) gồm một số xã của Gò Vấp, Hóc Môn và một số xã của Củ Chi. Lực lượng vũ trang của Phân khu Gò Môn có Tiểu đoàn 2 Quyết Thắng. Hoạt động của Tiểu đoàn là đưa từng đại hội từ căn cứ Trung An xuống Bình Mỹ qua Tân Phú Trung để hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích đang phát triển mạnh. Bấy giờ mỗi xã đều có một tiểu đội du kích mật và một trung đội dân quân tự vệ làm nhiệm vụ diệt ác phá kềm.
Đến năm 1966-1967, để phù hợp với tình hình thực tế chiến trường, Phân khu ủy Sài Gòn- Gia Định thành lập lại quận Gò Môn. Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, vào đầu năm 1969, nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển biến nhanh tình hình chung, Khu ủy Phân khu I đã quyết định giải thể Quận Gò Môn để chia thành 4 Quận là Đông Môn, Tây Môn, Nam Chi và Bắc Chi để dễ chỉ đạo cho phù hợp với chiến trường chia cắt.
Truyền thống Gò Môn tuy chỉ hình thành và phát triển trong 9 năm (1961-1969) song đã trở thành truyền thống bất tử, nói lên ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất, không quản ngại mọi khó khăn gian khổ, hy sinh. Qua đó, Đảng bộ và nhân dân Gò Môn đã góp phần xứng đáng vào công cuộc chiến đấu giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đảng bộ và quân dân Gò Môn đã góp phần cùng quân dân miền Nam đánh cho Mỹ - ngụy những đòn nặng nề, đập tan uy thế xâm lược hung hãn của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, quận Gò Môn nơi nào cũng biến thành chiến trường thiêu đốt quân cướp nước và bán nước. Bằng sức mạnh của lòng căm thù giặc, quân dân Gò Môn đã giữ vững truyền thống yêu nước đấu tranh chống ngoại xâm của ông cha ta, quyết chiến đấu đến cùng để giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước.
Truyền thống Gò Môn với những trang sử hào hùng của Dân – Quân – Chính - Đảng, mãi mãi là tấm gương, là phẩm chất sáng ngời của các thế hệ cha anh đi trước; thể hiện đậm đà chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là ánh đuốc sáng ngời để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo, quyết tâm ra sức giữ gìn, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc.
Từ truyền thống hào hùng bất khuất của Gò Môn năm xưa, bốn quận huyện (Gò Vấp, 12, Củ Chi, Hóc Môn) hôm nay ra sức vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng vươn lên, tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và phát triển toàn diện, vững chắc, luôn xứng đáng với truyền thống Gò Môn trung dũng kiên cường./.
ĐG. PHÒNG LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH XÀ XÃ HỘI QUẬN 12