Trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng hội nhập quốc tế dưới ngọn cờ của Đảng ở nước ta hiện nay, báo chí cách mạng ngày càng có vai trò hết sức quan trọng, và điều đó đòi hỏi nhân cách người làm báo phải ngang tầm. Muốn có được những phẩm chất tương xứng đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, nhất là những căn dặn của Bác đối với người làm báo là việc làm cần thiết.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, báo chí cách mạng được Đảng trao cho sứ mệnh tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với quan điểm xuyên suốt: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Đây cũng là mục tiêu, là tiêu chí quy định chức năng, nhiệm vụ; đồng thời cũng là môi trường phát triển của nền báo chí nước nhà.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã viết khoảng 2.000 bài báo, tác phẩm với nhiều thể loại, và được ký bằng 174 tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau. Đó là những tác phẩm lý luận quan trọng, là cẩm nang chỉ đường cho Đảng và Nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng.
Theo Người, giữa cách mạng và báo chí có sự thống nhất hữu cơ, bởi vì “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Đối với một vấn đề, mọi người bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho Nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân tức là không phải chân lý”. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân lý là Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là đích phấn đấu của báo chí cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 80 năm qua. Để thực hiện được chân lý đó, Người khẳng định: “Phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên, các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”. Tính tư tưởng cao của báo chí suy cho cùng chính là điều này.
Xuất phát từ mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng là vì dân và từ vai trò to lớn của báo chí đối với xã hội, Người nhắc nhở những người làm báo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Để báo chí luôn là diễn đàn của Nhân dân, Người khẳng định: “Một tờ báo không được đại đa số (dân chúng) ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”, và “không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của Nhân dân”.
Người cũng đã dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn trách nhiệm vẻ vang của mình, cán bộ báo chí phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa, chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Bác chỉ rõ vai trò của báo chí cách mạng, đó là cơ quan ngôn luận, cầu nối giữa Đảng với dân nhằm tuyên truyền những tư tưởng tiến bộ, từ đó hướng dẫn cho họ hành động cách mạng. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người làm báo cách mạng trước hết phải có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội nghiêm túc; phải có lập trường chính trị vững vàng, thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ; phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng; phải nâng cao trình độ văn hóa và đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Nhà báo cách mạng phải nhạy bén với sự vận động, phát triển của đất nước, phải có lòng say mê nghề nghiệp, luôn đứng về phía công lý, lẽ phải, đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực; làm trong sạch, lành mạnh đời sống xã hội.
Học tập và làm theo Bác, đội ngũ phóng viên, biên tập viên Quận 12 luôn giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nêu cao tinh thần cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, không ngừng học tập, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ nghiệp vụ, cập nhật công nghệ làm báo hiện đại để tạo nên những số bản tin thường kỳ, những đặc san nhân các lễ kỷ niệm, các sự kiện của đất nước, thành phố và quận với tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, tính nhân văn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng./.
BBT