Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
1
4
9
5
5
3
Tin tức sự kiện 10 Tháng Mười 2019 10:30:00 SA

Làm thế nào để thoát hiểm khi cháy, nổ?

Phần lớn mọi người khi gặp đám cháy thường hốt hoảng, không biết phải làm cách gì để dập lửa và thoát hiểm. Một số trường hợp vì chữa cháy không đúng cách đã khiến cho đám cháy lan rộng và gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng bạn nên nhớ rõ một điều rằng, hoảng loạn không giúp cho bạn thoát khỏi đám cháy nhanh hơn, mà ngược lại còn khiến bạn mất định hướng và dễ lâm vào tình cảnh nguy hiểm. Chỉ có bình tĩnh mới có thể giúp bạn xử lý tình huống linh hoạt để thoát khỏi đám cháy nhanh chóng và an toàn nhất. Và, chủ động trang bị cho bản thân những kiến thức cũng như kỹ năng thoát hiểm cơ bản chính là cứu cánh tốt nhất khi không may gặp phải sự cố cháy, nổ.

Những kiến thức cơ bản cần biết

Khi bước chân vào một tòa nhà cao tầng, việc đầu tiên bạn cần làm là phải xác định vị trí của cầu thang bộ và cầu thang thoát nạn nằm ở đâu. Nếu đi bằng thang máy, bạn cũng nên chú ý đến những nơi đặt thiết bị chữa cháy, đề phòng trường hợp có sự cố hỏa hoạn xảy ra, bạn có thể chạy đến nơi có bình chữa cháy hoặc vòi phun nước một cách nhanh chóng.

Khi thấy có cháy, hãy bình tĩnh suy xét tình hình để có phương án chữa cháy và thoát hiểm tối ưu nhất. Nếu đám cháy nhỏ, hãy dùng các thiết bị chữa cháy có sẵn đề dập tắt đám cháy. Nếu đám cháy đã lan rộng và bạn không thể tự mình dập tắt, lúc này hãy cố gắng đánh giá tình hình mình đang gặp phải.

Tình huống 1: Bạn có thể thoát khỏi căn phòng đang cháy bằng lối cửa chính. Trước tiên, hãy đóng cửa phòng đang cháy để ngăn lửa cháy lan sang các phòng xung quanh. Nhấn chuông báo cháy để báo động toàn tòa nhà. Nhanh chóng di chuyển đến cầu thang thoát hiểm (thang bộ), tuyệt đối không sử dụng thang máy vì bạn có thể bị kẹt bên trong khi hệ thống an toàn tự động ngắt điện. Hạn chế tối đa việc xô đẩy, chen lấn lẫn nhau khi thoát hiểm trong cầu thang, tránh nguy cơ dẫm đạp lên nhau cho mình và những người xung quanh. Sau đó, hãy gọi lực lượng PCCC chuyên nghiệp qua số máy 114 ngay khi có thể.

Tình huống 2: Bạn bị mắc kẹt trong căn phòng khi lửa đã bén ra xung quanh. Trước tiên hãy xác định lối ra cửa chính, sau đó di chuyển bằng cách khom người hoặc bò sát mặt đất theo hướng cửa chính. Vì khi lửa cháy, khói sẽ luôn bốc lên trên cao, do vậy, cách di chuyển này sẽ giúp bạn tránh bị sặc hơi khói và không bị bụi khói che khuất tầm nhìn. Nếu có thể, hãy dùng khăn (hoặc vải, áo, …) thấm nước, bịt lên mũi, miệng, cơ quan hô hấp để lọc không khí, giúp bạn hạn chế hít phải khói, khí độc. Khi đến gần cửa ra vào, tuyệt đối không mở cửa ngay mà hãy dùng mu bàn tay sờ vào cửa để kiểm tra nhiệt độ trước khi cầm vào tay nắm mở cửa. Hiện tượng chênh lệch áp suất rất dễ gây tổn thương, do vậy, khi mở cửa hãy tránh mặt và né người sang một bên đề phòng lửa tạt. Lưu ý, nếu nhiệt độ trên cửa quá cao, tuyệt đối không được mở cửa. Khi thoát được khỏi căn phòng cháy, bạn tiếp tục thực hiện các bước như tình huống 1.

Tình huống 3: Lửa cháy bên ngoài và bạn mắc kẹt trong căn phòng. Tương tự tình huống 2, bạn hãy dùng mu bàn tay chạm vào cửa để xác định nhiệt độ bên ngoài. Nếu không thể thoát ra bằng lối cửa chính, hãy bình tĩnh lấy giẻ lau hoặc mền hay quần áo thấm nước chặn dưới chân cửa để ngăn khói bay vào phòng, tránh nguy cơ bị ngạt khí. Sau đó, di chuyển ra ban công hoặc cửa sổ. Rồi từ ban công hoặc cửa sổ hô thật to để mọi người biết. Đồng thời, hãy gọi hoặc nhờ mọi người gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC (qua số điện thoại: 114) thông báo tình hình cháy và vị trí cụ thể của mình để lực lượng PCCC có phương án cứu hộ tối ưu nhất.

Trong khi chờ đợi lực lượng PCCC chuyên nghiệp, hãy tìm các phương tiện , thiết bị cứu nạn có sẵn gần đó như: thang, dây thoát hiểm, … để thoát ra bên ngoài nhanh nhất. Hãy quan sát thật kỹ và tận dụng mọi phương tiện, có thể là tấm ga giường, rèm cửa xé dọc, hay quần áo buộc lại, … tất cả những thứ có thể giúp bạn tạm thời thoát khỏi đám cháy. Nên nhớ, tuyệt đối không mất bình tĩnh, hốt hoảng nhảy từ trên cao xuống khi không có thang, đệm của lực lượng PCCC và chỉ nhảy xuống khi được Đội Cảnh sát PCCC&CNCH yêu cầu.

Bảo Dung


Số lượt người xem: 535    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày