Tân Thới Nhứt (Tân Thới Nhất) trước kia thuộc về vùng đất Mười tám Thôn vườn trầu nổi tiếng. Trong bản đồ vẽ bằng tay của Balencie vào năm 1889, ta có thể xác định ranh giới của làng Tân Thới Nhứt vào cuối thế kỷ XIX. Phía Bắc giáp làng Xuân Thới Tây; phía Tây giáp làng Xuân Hòa, Thuận Hòa; phía Nam giáp làng Thuận Kiều; phía Đông giáp làng Xuân Thới Thượng.
Nhà truyền thống Tân Thới Nhất (phường Tân Thới Nhất, Quận 12)
Năm 1859, thực dân Pháp tấn công Gia Định, Nhân dân Mười tám Thôn vườn trầu nhất tề đứng lên chống Pháp. Trong hai năm từ 1859 đến 1860, Nhân dân Tân Thới Nhất cùng với Nhân dân Mười Tám Thôn Vườn Trầu gia nhập nghĩa quân Trương Định, tham gia xây dựng nhiều đồn nhỏ: đồn Tham Lương, đồn Thuận Kiều, đồn Rạch Tra để yểm trợ cho đại đồn Chí Hòa. Năm 1871, những người dân yêu nước tại làng Tân Thới Nhất tham gia cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Ảnh Thủ lãnh đạo. Nghĩa quân đánh chiếm Bà Điểm, chiếm được đồn Thuận Kiều, giết chết tên Trưởng đồn, cùng nhiều binh lính. Nghĩa quân tiến đánh dinh quận Hóc Môn, bắt sống tên Đốc phủ gian ác Trần Tử Ca, đem đi chặt đầu, bêu trên cột đèn trước Dinh quận làm gương cho những kẻ tay sai bán nước.
“Mừng xuân có pháo có nêu,
Có đầu đốc phủ đem bêu cột cờ”.
Trong những năm đầu thế kỷ XX, những người dân yêu nước ở Tân Thới Nhất gia nhập các tổ chức Hội kín. Đêm 14, rạng sáng ngày 15/2/1916, lực lượng này tham gia cánh quân chuẩn bị đánh phá Dinh Thống đốc và Khám Lớn Sài Gòn để giải thoát tù chính trị, trong đó có Phan Xích Long. Ngày 26/6/1925, Nguyễn An Ninh cùng Mai Văn Ngọc bắt đầu thành lập Thanh niên Cao vọng vùng Bà Điểm - Hóc Môn. Đông đảo Nhân dân Tân Thới Nhất - Bà Điểm đã gia nhập và hưởng ứng mạnh mẽ các phong trào yêu nước do tổ chức này phát động như: phong trào đám tang cụ Phan Châu Trinh năm 1926, đám cúng giáp năm cho Cụ năm 1927. Trong năm 1929 và trong giai đoạn 1932 - 1935, một số cốt cán của Thanh niên Cao vọng vùng Tân Thới Nhất - Bà Điểm đã được giới thiệu và kết nạp vào Đảng Cộng sản, những thành viên còn lại chuyển sang sinh hoạt trong các tổ chức như: Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ..
Trong cao trào 1930 - 1931, Nhân dân Tân Thới Nhất đã tham gia rất tích cực trong các cuộc biểu tình, đấu tranh đòi giảm sưu giảm thuế. Ngày 01/5/1930, Nhân dân Tân Thới Nhất cùng Nhân dân các làng Tân Thới Thượng, Xuân Lộc, Bình Hưng Hòa… kéo đến bao vây nhà tên cai tổng Kiết. Sau đó, đoàn người kéo lên quận lỵ Hóc Môn để hỗ trợ cho lực lượng biểu tình tại đây.
Ngay trong giai đoạn thoái trào của cách mạng (1932 - 1935), Nhân dân Tân Thới Nhất vẫn duy trì các phong trào đấu tranh anh dũng, bền bỉ. Ngày 18/4/1932, khoảng 1.000 người dân Tân Thới Nhất kéo đến quận lỵ Hóc Môn biểu tình, giương cao khẩu hiệu “chống thuế và chống khủng bố trắng”, tham gia các buổi diễn thuyết ở rạp Thành Xương, Đội Có… để ủng hộ đồng chí Nguyễn Văn Tạo trong cuộc đấu tranh nghị trường.
Trong cao trào dân chủ 1936 - 1939, Tân Thới Nhất vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm một trong những căn cứ lãnh đạo cao trào cách mạng. Nhà bà Nguyễn Thị Sóc, nhà ông Phan Văn Đối… là nơi nuôi giấu các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu... Tại làng Tân Thới Nhất đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Ban chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ VI vào tháng 11 năm 1939.
Năm 1936, Đảng ta phát động phong trào đưa đơn thỉnh nguyện để chuẩn bị tiến tới Đông Dương đại hội. Nhân dân Tân Thới Nhất đã hưởng ửng rất mạnh mẽ, thành lập được 4 Ủy ban hành động của bốn giới đoàn thể: nông dân, công nhân, thanh niên, phụ nữ. Ngày 01/01/1937, Nhân dân Tân Thới Nhất đã tham gia đón tiếp Gôđa - phái viên của Pháp được cử sang điều tra tình hình Đông Dương. Nửa tháng sau tức vào ngày 15/01/1937, Nhân dân Tân Thới Nhất tham gia cuộc đón tiếp Toàn quyền Đông Dương Brêviê.
Tháng 8 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Pháp tăng cường bắt thanh niên người Việt đi làm bia đỡ đạn cho chúng. Nhân dân khắp nơi tổ chức biểu tình. Tại Tân Thới Nhất, nhiều cuộc đấu tranh chống bắt lính nổ ra. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ, lan rộng của quần chúng Nhân dân. Tháng 9 năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tích cực xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa sớm. Nhân dân Tân Thới Nhất mai phục, dựng chướng ngại vật để cản bước tiến của quân thù. Ngày 23 tháng 11, khởi nghĩa nổ ra khắp Nam Kỳ, người dân tham gia tấn công quận lỵ Hóc Môn và làm chủ trong 4 giờ đồng hồ.
Năm 1941, Việt Nam Độc Lập Đồng Minh được thành lập với nhiều tổ chức thành viên. Tại Mười tám Thôn vườn trầu trong đó có Tân Thới Nhất, quần chúng tùy lứa tuổi, ngành nghề, giới tính hăng hái gia nhập các tổ chức của Việt Minh như: Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ lão cứu quốc… Bắt đầu từ tháng 5 năm 1945, các đoàn thể “Thanh niên Tiền phong” được thành lập. Nhân dân đặc biệt là thanh niên hăng hái gia nhập, tích cực tập luyện võ, roi, đánh kiến; đảm trách nhiệm vụ canh gác. Ở một số nơi, người dân đào vũ khí chôn giấu từ sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, rèn sắm vũ khí mới, không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa hừng hực ở khắp nơi.
Ngày 19 tháng 8 năm 1945, cách mạng thành công ở Hà Nội, đến ngày 23 tháng 8, Nhân dân Huế giành chính quyền, khởi nghĩa từng phần diễn ra trên khắp cả nước. Trước tình thế đó, chiều ngày 24 tháng 8, người dân nơi đây cùng người dân ở các vùng lân cận với cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm cùng nhiều khẩu hiệu tập hợp tại chợ Bà Điểm tham dự mit-tinh. Sáng sớm ngày 25 tháng 8, Nhân dân Tân Thới Nhất hòa cùng đoàn Nhân dân Hóc Môn tập hợp từ rất sớm, rầm rộ kéo về đường Lê Duẩn, cùng người dân các quận biểu tình, bao vây, chiếm Tòa bố chính Gia Định. Đến chiều ngày 26 tháng 8, Nhân dân Hóc Môn bao vây Dinh quận và giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở một số cơ quan cách mạng tại Sài Gòn sau đó đánh rộng ra các vùng khác. Trước tình hình đó, vào khoảng trung tuần tháng 10, Quận ủy Gò Môn thành lập mặt trận cầu Tham Lương. Ban ngày, các đội tự vệ, cảm tử quân các làng Tân Thới Nhất, Tân Thới Nhì, Tân Thới Tam, Thuận Kiều… thay nhau chiến đấu với giặc tại mặt trận. Các đoàn thể phụ lão, phụ nữ, thanh niên… không sợ hiểm nguy tiếp tế lương thực cho các chiến sĩ. Trước sức chiến đấu kiên cường của quân và dân ta, liên quân Pháp - Ấn phải lùi bước. Tháng 12 năm 1945, Tỉnh ủy Gia Định rút về An Phú Đông để xây dựng căn cứ. Biết được tin này, Pháp liên tục điều quân bắn phá, lập hệ thống đồn bốt bao vây An Phú Đông. Các đội viên du kích Tân Thới Nhất phối hợp với các đơn vị khác của Hóc Môn tiến hành hàng loạt cuộc tấn công các đồn bốt dọc tuyến Quốc lộ 22.
Năm 1954, với sự hỗ trợ đắc lực của Mỹ, Ngô Đình Diệm leo lên chiếc ghế tổng thống, thiết lập chế độ độc tài gia đình trị phản động. Trong thời gian nắm quyền, Diệm triệt để thực hiện chính sách “tố cộng diệt cộng”, dồn dân vào các ấp chiến lược để cô lập cán bộ cách mạng với quần chúng. Đứng trước tình thế khó khăn này, tại Tân Thới Nhất các gia đình cách mạng, các cơ sở sống gần nhau đã liên kết lại tạo thành “lõm chính trị” để nuôi giấu. Quần chúng tích cực tham gia đấu tranh chống dồn dân lập ấp, đấu tranh phá ấp chiến lược. Các đội du kích cũng được củng cố. Tại Tân Thới Nhất có đội du kích mật và đội tự vệ hỗ trợ cho Tiểu đoàn 2 Quyết thắng đánh phá ấp chiến lược và các đồn bót của địch.
Trong “Chiến tranh cục bộ”, Tân Thới Nhất là nơi đón đơn vị liên quân Hóc Môn, Bình Tân do đồng chí Phạm Văn Hai, Nguyễn Văn Kịp (Đồng Đen) chỉ huy. Tháng 11 năm 1966, bộ đội địa phương Tân Thới Nhất phối hợp với Tiểu đoàn 2 Quyết thắng đánh thiệt hại Lữ đoàn kỵ binh bay 196 của Mỹ, bắn rơi 21 máy bay trực thăng, bắn chìm 2 tàu chiến, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn bị thương tướng hai sao Mỹ là Phôrôin.
Từ tháng 3 năm 1975, tại Tân Thới Nhất nổi lên công tác võ trang tuyên truyền phát động quần chúng diệt ác ôn, giành chính quyền. Ngày 29 tháng 4, Nhân dân và lực lượng vũ trang, lực lượng bán vũ trang nổi dậy vận động binh lính Ngụy quy hàng, chiếm đồn bốt, trụ sở Ngụy quyền, trừng trị những kẻ ác ôn, ngoan cố, góp phần làm nên thắng lợi 30 tháng 4 lịch sử.
Lãnh đạo quận thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ
tại Nhà truyền thống Tân Thới Nhất
Để tưởng nhớ công ơn của những thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, Quận ủy Quận 12 đã quyết định xây dựng Nhà truyền thống Tân Thới Nhất tại khu phố 7, phường Tân Thới Nhất, Quận 12 và khánh thành ngày 20 tháng 02 năm 2010 (nhằm ngày mùng 7 tháng Giêng năm Canh Dần). Sau thời gian hoạt động, nhà truyền thống có biểu hiện xuống cấp tại một số hạng mục, ngày 30 tháng 3 năm 2016, Ủy ban Nhân dân Quận 12 quyết định phê duyệt dự án sửa chữa nhà truyền thống Tân Thới Nhất với tổng mức đầu tư 1.286.343.000 đồng. Nhà truyền thống được thiết kế với phần mái là những đầu đao cong vút, nằm giữa bóng cây xanh mát. Tại đây trưng bày nhiều hình ảnh theo bốn chủ đề chính: Phong trào chống Pháp giành độc lập (1858 - 1945), kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), thời kỳ xây dựng và phát triển.
Quang cảnh bên trong Nhà truyền thống Tân Thới Nhất
Nhà truyền thống là nơi giáo dục lịch sử cách mạng địa phương, là nguồn cảm hứng khơi gợi tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ. Nơi đây thường xuyên mở cửa phục vụ khách tham quan, thu hút và tiếp đón khoảng 2.200 lượt khách mỗi năm, cũng như định kỳ khoảng 150 lượt người tập thể dục, tập võ hàng tháng./.