Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nước ta là một nước thống nhất, gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Các dân tộc anh em gắn bó ruột thịt với nhau trên một lãnh thổ chung và trải qua lịch sử lâu đời, cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi đẹp. Từ nhận thức đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Người cho rằng: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán; Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.
Từ thực tiễn cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đại đoàn kết dân tộc là nguồn sức mạnh vô địch, là động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam. Người khẳng định: “Nhờ đại đoàn kết mà trong bao nhiêu thế kỷ, nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và đã kháng chiến đến thắng lợi”. Trong đó, Người nhấn mạnh vai trò của các dân tộc thiểu số: Nhờ sức đoàn kết đấu tranh chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh em trong một nhà, không còn có sự phân chia nòi giống, tiếng nói nữa. Trước kia, các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng phải đoàn kết hơn nữa.
Đánh giá cao vai trò của các dân tộc thiểu số, ngay sau khi nước nhà được độc lập, đến dự và phát biểu tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam (3/12/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định: “Nhờ sức đoàn kết trong đấu tranh của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không có sự phân chia nòi giống, tiếng nói gì nữa”, mà còn hứa, “Chính phủ sẽ gắng sức giúp đỡ đồng bào về mọi mặt, như kinh tế, văn hóa". Đồng thời, Người cũng nhấn mạnh trách nhiệm của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam đối với vận mệnh của đất nước và nền độc lập dân tộc vừa giành được; đó là "trước kia, các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”.
Là thành viên của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, nhưng mỗi dân tộc có một nền văn hóa đặc sắc, một tâm lý, phong tục tập quán riêng, vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: trong mọi công tác, nhất là công tác tuyên truyền, phải chú ý tới đặc điểm riêng này. Người nhấn mạnh: “Một tỉnh có đồng bào Thái, đồng bào Mèo, thì tuyên truyền huấn luyện đối với đồng bào Thái khác, đồng bào Mèo khác, phải có sự thay đổi thích hợp”. Người yêu cầu các chương trình, kế hoạch công tác phát triển miền núi không chỉ phù hợp với đồng bào miền núi, mà ngay cả cách thể hiện cũng được diễn tả “nôm na” để đồng bào dễ hiểu, dễ làm theo.
Bên cạnh việc bảo đảm quyền bình đẳng, tôn trọng và tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển toàn diện, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số. Tháng 10/1961, nói chuyện tại Hội nghị tổng kết cuộc vận động hợp tác xã nông nghiệp ở miền núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh ba vấn đề đồng bào các dân tộc thiểu số cần phải chú trọng:
Thứ nhất, tăng cường đoàn kết dân tộc, đây là một công tác rất quan trọng, có nội dung mới và rộng hơn. Các dân tộc miền núi đoàn kết chặt chẽ, các dân tộc thiểu số đoàn kết với dân tộc đa số.
Thứ hai, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và chăm sóc đội ngũ cán bộ, con em của đồng bào dân tộc: “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay”.
Thứ ba, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn về vật chất và tinh thần.
Kế thừa và phát huy tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng chủ trương: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp tầng lớp, thành phần kinh tế mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng, người đang công tác và người đã nghỉ hưu, mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài”.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, gần 40 năm qua, Đảng và Nhà nước luôn chăm lo phát triển khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thông qua việc triển khai các chương trình đặc biệt: Chương trình 135 về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình 30A, hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo ở vùng sâu, vùng xa... nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp cho đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đồng thời, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo; thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh... để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Trong chỉ đạo thực tiễn, thực hiện một trong 8 đặc trưng xã hội XHCN được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011) thông qua là: Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trong, giúp đỡ nhau cùng phát triển, các cơ quan ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cùng cấp ủy, chính quyền sở tại đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn của vùng đồng bào dân tộc (dân cư thưa thớt, tập quán sống và canh tác lạc hậu, thậm chí không ít dân tộc còn du canh, du cư; giao thông bị chia cắt, cách trở do sông núi hiểm trở, lại thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai khắc nghiệt)... nhằm thu hẹp khoảng cách vùng, miền. Đồng thời, cổ vũ, động viên sự nỗ lực, vươn lên để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các dân tộc thiểu số, góp phần củng cố và tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc thiểu số nói riêng, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói chung, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc./.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng
Duy Giáp (Sưu tầm)