Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
5
8
4
9
6
Tin tức sự kiện 04 Tháng Năm 2020 8:00:00 SA

30/4/1975 - Kỳ tích và niềm tự hào

Trong thế kỷ 20, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích lịch sử. Đó là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đó là những bước ngoặt, những chiến thắng vĩ đại, vượt ra ngoài sức tưởng tượng của con người.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi vẻ vang, cả dân tộc về đích trong tiếng reo ca, vỡ òa niềm vui và nước mắt. Chiến thắng ngày 30/4/1975 là dấu son rực rỡ kết thúc 21 năm đằng đẵng Bắc - Nam chia cắt; đằng đẵng bao năm đế quốc Mỹ tiến hành chính sách thực dân mới, lập ra chính quyền tay sai, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới của chúng. Nhưng cuộc kháng chiến lâu dài, anh dũng của Nhân dân ta lại kết thúc mau lẹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, diễn ra chỉ trong vòng bốn tháng, tính từ ngày 4/1 đến 30/4/1975. Nếu không kể trận Phước Long được coi là "trận đánh trinh sát chiến lược", cuộc Tổng tiến công gồm ba chiến dịch (Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh) đã diễn ra cực kỳ nhanh chóng, và khi bộ đội ta vào đến Sài Gòn, lá cờ trận mạc còn ám khói đạn được cắm trên Cột cờ Dinh Độc Lập, báo hiệu thời khắc lịch sử miền Nam hoàn toàn giải phóng, thì vòng lá ngụy trang trên lưng các anh đã "qua gió thổi ba miền".

Đã 45 năm trôi qua kể từ phút giây chiếc xe tăng của quân giải phóng xô tung cánh cửa Dinh Độc Lập và lá cờ giải phóng tung bay trên bầu trời tháng 4 với khoảng lặng tuyệt vời, rồi vỡ òa thành biển âm thanh và sắc màu chói lọi. Ngày 30/4/1975 hội tụ ba sự kiện lịch sử: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc ta: kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Kỳ tích ấy do đâu mà có? Thật khó trả lời trong một câu ngắn gọn, thậm chí là một bài nghiên cứu. Lịch sử sẽ còn tiếp tục phân tích, nghiên cứu, phát hiện thêm tư liệu và những góc độ mới. Sau cơn lốc lịch sử ở miền Nam Việt Nam, ngày 1/5/1975, báo Asashi Shimbun của Nhật Bản đăng bài xã luận, trong đó có câu: "Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc và phần thắng thuộc về lực lượng giải phóng. Điều này có nghĩa là thời kỳ các nước mạnh dùng vũ lực để giết chết tinh thần dân tộc đã chấm dứt". Đúng vậy, tinh thần, hay nói rộng hơn là văn hóa của một dân tộc không dễ gì có thể dùng vũ lực để giết chết. Điều này trong lịch sử cha ông ta đã nói, chúng ta chiến thắng kẻ thù vì đã "lấy nhân nghĩa thắng hung tàn", "lấy chí nhân thay cường bạo" (Cáo Bình Ngô - Nguyễn Trãi). Còn các nhà tổng kết quân sự thì tóm lược trong cái ý thật tổng quát, vô cùng giản dị mà biết mấy sâu xa: đường lối, nghệ thuật tiến hành chiến tranh Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Không có nghệ thuật chiến tranh Nhân dân thì không thể "có những đoàn quân từ trong lòng đất/xông lên bạt vía quân thù". Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói cụ thể hơn: "Chiến tranh Nhân dân là một cuộc chiến tranh toàn diện, tổng lực trong đó mỗi người đàn ông, mỗi người phụ nữ, mỗi đơn vị, dù lớn hay nhỏ. Cho nên, những vũ khí tinh vi của người Mỹ, những thiết bị điện tử và những thứ đại loại như vậy đều vô dụng. Cho dù có sức mạnh quân sự, người Mỹ đã tính toán sai những hạn chế trong sức mạnh của mình. Trong chiến tranh chỉ có hai yếu tố - con người và vũ khí. Dù vậy, cuối cùng con người vẫn là nhân tố quyết định. Con người! Con người!".

Những kỳ tích Việt Nam trong thế kỷ 21 sẽ là gì? Chúng tôi nghĩ rằng, công cuộc đổi mới đất nước khởi đầu từ năm 1986 - Đại hội lần thứ VI của Đảng ta sẽ được lịch sử đánh giá là một kỳ tích. Đương nhiên kỳ tích này nối liền hai thế kỷ 20 và 21. Bởi cho đến hôm nay, khi thế giới đã đi qua gần hai thập niên đầy biến động, chúng ta vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà công cuộc đổi mới đem lại đã tạo vị thế mới của đất nước ta. Đó là hành trang rất quý báu để cả dân tộc vững bước đi lên.

Phát triển kinh tế nhưng phải giữ vững chủ quyền đất nước, bảo vệ môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội và môi trường văn hóa. Giữ gìn từng tấc đất biên cương, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc là sứ mệnh của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau.

Tháng 4/1975 mãi là nhân chứng cho lịch sử Việt Nam, nhân chứng sáng đẹp khi cả dân tộc bước sang một trang sử mới. Và giờ đây cả dân tộc vẫn đang trong hành trình đi tìm và làm nên những kỳ tích mới. Những kỳ tích mà không gì có thể thay thế được, đó là con người - con người Việt Nam thông minh, anh dũng, nhân hậu và khoan dung. /.

BBT


Số lượt người xem: 1492    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày