Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
4
6
6
1
0
4
4
Tin tức sự kiện 15 Tháng Năm 2020 1:55:00 CH

Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử

I. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực sau đây:

a) Bưu chính;

b) Viễn thông, bao gồm: kinh doanh dịch vụ viễn thông; thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ; quy hoạch, thiết kế, xây dựng, sử dụng công trình viễn thông; quy hoạch, quản lý và sử dụng tài nguyên viễn thông, Internet; quản lý chất lượng và dịch vụ viễn thông;

c) Tần số vô tuyến điện;

d) Công nghệ thông tin, bao gồm: phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trò chơi điện tử công cộng;

đ) Giao dịch điện tử.

2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này không được quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đó để xử phạt.

II. Đối tượng bị xử phạt

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức là đối tượng bị xử phạt theo quy định của Nghị định này bao gồm:

a) Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

b) Đại lý cung cấp dịch vụ: bưu chính; viễn thông; trò chơi điện tử trên mạng;

c) Đại lý Internet là tổ chức;

d) Đại diện, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính nước ngoài; chi nhánh của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính;

đ) Điểm cung cấp dịch vụ: viễn thông; trò chơi điện tử công cộng;

e) Điểm truy nhập Internet công cộng;

g) Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động;

h) Đơn vị hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền thanh, truyền hình sử dụng tần số vô tuyến điện;

i) Đơn vị sự nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp sử dụng tần số vô tuyến điện;

k) Tổ chức phi chính phủ nước ngoài sử dụng tần số vô tuyến điện;

l) Nhà đăng ký tên miền;

m) Đơn vị vận hành hệ thống thông tin;

n) Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

o) Các tổ chức khác không phải là cơ quan nhà nước vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định này.

III. Hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng đối với giấy phép: Bưu chính, Giấy phép Viễn thông, Giấy phép thiết lập mạng viễn thông, Giấy phép lắp đặt cáp viễn thông trên biển, Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, Giấy phép thiết lập mạng xã hội, Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, Giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, Giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

b) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử;

c) Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng;

d) Trục xuất.

3. Ngoài hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau:

a) Buộc nộp lại tổng số tiền tương đương tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của Bộ xác định thuê bao (SIM), trường hợp không thể xác định chính xác, số tiền phải nộp lại trên mỗi SIM được áp dụng theo công thức: 100.000 đồng nhân với số tháng vi phạm;

b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế;

c) Buộc thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số viễn thông;

d) Buộc thu hồi tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN);

đ) Buộc thu hồi mã số quản lý, số cung cấp dịch vụ;

e) Buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền;

g) Buộc nộp lại phí sử dụng tần số trong thời gian sử dụng tần số không có giấy phép hoặc sử dụng sai nghiệp vụ, phương thức phát;

h) Buộc nộp lại chứng chỉ vô tuyến điện viên;

i) Buộc hoàn trả lại bưu gửi;

k) Buộc thanh toán đầy đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng tài nguyên Internet;

l) Buộc tái xuất vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu, tem bưu chính;

m) Buộc thu hồi kinh phí đã chi không đúng;

n) Buộc hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện;

o) Buộc nộp lại văn bản cho phép thực hiện hoạt động gia công, sửa chữa sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng;

p) Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật.

q) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép do vi phạm quy định của pháp luật.

r) Buộc nộp lại văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính.

IV. Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức

1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: bưu chính và giao dịch điện tử đối với cá nhân là 40.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực: viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.

3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

4. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại Chương VIII Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với một hành vi vi phạm của tổ chức; đối với hành vi vi phạm của cá nhân, thẩm quyền phạt tiền bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức.

V. Quy định xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi vi phạm về an toàn thông tin mạng

1. Vi phạm quy định về cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác;

b) Xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng;

c) Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;

d) Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;

đ) Làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác được trao đổi, truyền đưa, lưu trữ trên môi trường mạng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

2. Vi phạm quy định về thu thập, sử dụng thông tin cá nhân

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

b) Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;

b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;

c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1, các điểm b và c khoản 2 Điều này.

Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quận 12

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Số lượt người xem: 1244    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày