Nhằm thông tin cho người dân cần biết khi có nhu cầu phát triển kinh tế dựa trên mô hình Hợp tác xã. Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận thông tin một số vấn đề cần biết khi muốn thành lập Hợp tác xã. Cụ thể như sau:
1. Các căn cứ pháp lý để tham khảo quy định pháp luật về Hợp tác xã:
- Luật hợp tác xã 2012.
- Nghị định 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của hợp tác xã.
- Thông tư số 03/2014/TT-BKHĐT ngày 26/5/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Hướng dẫn về đăng ký hợp tác xã và chế độ báo cáo tình hình hoạt động của hợp tác xã.
2. Thẩm quyền đăng ký Hợp tác xã
Theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 6 Nghị định 193/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của hợp tác xã về cơ quan đăng ký hợp tác xã "Hợp tác xã đăng ký tại phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện."
- Hồ sơ Thành lập hợp tác xã
Khoản 2 Điều 23 Luật Hợp tác xã 2012 quy định:
Hồ sơ đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bao gồm:
a) Giấy đề nghị đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Điều lệ;
c) Phương án sản xuất, kinh doanh;
d) Danh sách thành viên, hợp tác xã thành viên; danh sách hội đồng quản trị, giám đốc (tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên;
đ) Nghị quyết hội nghị thành lập.
* Một số vấn đề sau khi có Đăng ký kinh doanh của hợp tác xã
1. Công bố thông tin thành lập hợp tác xã
Hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp nên sau khi thành lập người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã phải công bố thông tin về hợp tác xã theo quy định và phải trả phí. Các nội dung cần công bố:
a) Ngành, nghề kinh doanh
b) Danh sách thành viên sáng lập
Việc công bố phải được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày thành lập với mức phí theo quy định hiện nay là 300.000 đồng.
2. Khắc con dấu và đăng ký con dấu
Hợp tác xã được quyền quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu của doanh nghiệp. Nội dung con dấu phải thể hiện những thông tin về tên, mã số hợp tác xã.
Trước khi sử dụng, hợp tác xã có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hợp tác xã chủ động xây dựng công tác quản lý, sử dụng con dấu và con dấu cũng như các tài liệu quan trọng, hồ sơ pháp nhân của hợp tác xã phải được lưu tại trụ sở chính của hợp tác xã.
3. Treo biển hợp tác xã
Biển hiệu của hợp tác xã phải được treo tại trụ sở chính, các đơn vị phụ thuộc (chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh…) và phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan về nội dung và hình thức của biển hiệu. Tên bằng tiếng Việt của hợp tác xã phải được viết to hơn tên bằng tiếng nước ngoài nếu có. Nếu hợp tác xã không treo biển hiệu sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
4. Kê khai và nộp thuế môn bài, đăng ký phương pháp tính thuế.
HỘI ĐỒNG PHPBGDPL QUẬN 12