Nhằm tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng biết ơn đối với những người có công với Cách mạng từ trước đến nay, hàng năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 được tổ chức trọng thể để tưởng niệm về những công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ tổ quốc. Ngày lễ này được ghi nhận và thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của thế hệ trẻ ngày nay.
Cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặt một bước ngoặt mới cho phong trào giành lấy độc lập cho dân tộc. Nhưng nhân dân Việt Nam vui mừng không đươc bao lâu thì thực dân Pháp quay lại tái chiếm Sài Gòn, Đảng và nhân dân Nam Bộ tiếp tục 9 năm trường kì kháng chiến chống Pháp.
Trước tình hình miền Bắc đang tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, nhiều chiến sĩ đã bị thương và hy sinh để chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Đầu năm 1946, Hội giúp binh sĩ tử nạn (sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập ở Thuận Hóa, Bình Trị Thiên, ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời làm hội trưởng danh dự của Hội giúp binh sĩ tử nạn.
Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương vong tăng lên. Nhân dân và chiến sĩ đời sống vô cùng khó khăn. Trước tình hình trên, Đảng và Nhà nước ta đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến công tác thương binh liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống cho nhân dân và chiến sĩ.
Ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức ký Sắc lệnh số 20/SL, quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Sắc lệnh này đã khẳng định công tác thương binh liệt sĩ có vị trí quan trọng đối với cuộc kháng chiến và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ.
Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện Chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày tổ chức kỷ niệm thương binh liệt sĩ và bảo vệ công tác thương binh liệt sĩ.
Sau khi họp bàn, Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc. Đây được coi là cuộc mít tinh quan trọng với hàng người tham dự tại Thái Nguyên. Tại đây, Ban Tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hàng năm vào dịp này, Hồ Chí Minh đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tháng 7/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sĩ, gia đình liệt sĩ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày Thương binh 27/7 được đổi thành ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7.
Hàng năm, ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm tổ chức nhằm tuyên truyền, giáo dục đến nhân dân đặc biệt thế hệ trẻ về những cống hiến, hy sinh mất mát của bệnh binh, thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ để thế hệ trẻ biết trân quý những thành quả hôm nay. Từ đó, biến lòng biết ơn thành những hành động cụ thể, thực hiện tốt “đền ơn, đáp nghĩa”./.
PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN