Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh lây do muỗi vằn đốt, truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 11. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi.
Sốt xuất huyết là bệnh nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị, người bị bệnh sốt xuất huyết thường gặp những biến chứng, như:
- Biến chứng thoát huyết tương: Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây thiếu máu và để lại những di chứng kéo dài, thậm chí là ảnh hưởng suốt đời.
- Biến chứng giảm tiểu cầu trong máu: Nếu tiểu cầu bị giảm đột ngột, các hiện tượng chảy máu bất thường như chảy máu mũi, xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng sẽ xảy ra liên tục, không thể dừng lại và khiến bệnh nhân tử vong do mất máu quá nhiều.
- Biến chứng về mắt: Biến chứng này sẽ khiến cho thị lực bị ảnh hưởng, giảm sút và thậm chí nếu nặng sẽ có thể gây mù. Mặc dù đâ là tình trạng khá hiếm gặp.
- Tràn dịch màng phổi: Nếu không được cấp cứu sẽ khiến cho hệ thống hô hấp của cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng và gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Suy đa tạng: suy tim, viêm tim, suy gan, suy thận, viêm não,...
- Xuất huyết não: dẫn tới những hậu quả, ảnh hưởng cực kỳ nguy hiểm và lâu dài như sức khoẻ yếu đi, trí thông minh bị giảm sút, hôn mê sâu hay thậm chí là tử vong.
Quận 12 là một trong những địa phương có nguy cơ bùng phát dịch bệnh và hiện nay trên địa bàn các phường tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp; để ngăn chặn dịch bệnh, đòi hỏi phải có sự thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị Quận phường và sự đồng lòng chung tay góp sức của toàn dân, trong đó sự tham gia phòng chống dịch của mỗi cá nhân trong mỗi gia đình mang tính chất quyết định.
Hiện nay trên địa bàn phường chúng ta đã có 02 ca sốt xuất huyết, nếu không kịp thời dập dịch, nhiều nguy cơ dịch phát triển thành ổ dịch sốt xuất huyết, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của người dân.
Để nhanh chóng dập dịch, đề nghị mỗi gia đình chúng ta luôn nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, nghiêm túc thực hiện các các khuyến cáo của Bộ Y tế:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ có khả năng chứa nước; thay nước bình hoa…
- Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh bằng cách mở tất cả các cửa sổ, cửa ra vào khi có đội xịt thuốc đến phun xịt
Toàn dân thực hiện tốt khẩu hiệu: “KHÔNG CÓ LĂNG QUĂNG – KHÔNG CÓ MUỖI – KHÔNG CÓ SỐT XUẤT HUYẾT”.