Bệnh cúm gia cầm - còn gọi là cúm A/H5N1 - do vi rút cúm A/H5N1 gây ra, là bệnh rất dễ lây lan, dễ tái phát, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên có thể gây chết người và chết gia cầm hàng loạt, vì vậy chúng ta cần phải hết sức đề phòng trước sự tái phát của cúm A/H5N1 tại nước ta.
1. Đường lây cúm A/H 5N1 sang người:
Vi rút cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hoặc bất kỳ bộ phận nào của gia cầm bị bệnh (bao gồm cả phân và lông). Sự lây nhiễm có thể xảy ra qua các đường sau:
- Qua tiếp xúc trực tiếp như: giết mổ, vận chuyển, mua bán hoặc cầm, sờ vào gia cầm bị nhiễm bệnh.
- Qua ăn, uống:
+ Thịt và các sản phẩm gia cầm bị nhiễm bệnh.
+ Thịt và các sản phẩm của gia cầm không được nấu chín kỹ như trứng, tiết canh...
2. Các dấu hiệu của cúm A/H5N1 ở người:
Người bị cúm A/H5N1 thường có những dấu hiệu sau:
- Sốt cao đột ngột ( trên 38oC).
- Đau đầu.
- Đau nhức cơ.
- Ho khan.
- Đau họng.
- Mệt mỏi rã rời.
- Tiêu chảy.
Bệnh thường diễn biến rất nhanh gây khó thở, suy hô hấp và dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
3. Phòng ngừa bệnh cúm A/H5N1:
Để phòng bệnh cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần biết cách tự bảo vệ mình trước dịch bệnh. Chủ động phòng ngừa bệnh cúm gia cầm trên người nên tuân theo một số nguyên tắc để đảm bảo an toàn:
- Tránh tiếp xúc với gia cầm gây bệnh.
- Tuân thủ quy tắc an toàn khi giết mổ gia cầm.
- Giữ vệ sinh.
- Đi khám kịp thời.
Khi có những dấu hiệu như sốt cao đột ngột (trên 38oC), đau đầu, đau nhức cơ, ho khan kéo dài, đau họng, tức ngực dữ dội, khó thở, nghe phổi có tiếng ran, tím tái nhanh, mệt mỏi rã rời, tiêu chảy, rối loạn ý thức thì cần đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời./.
Phòng VHTT quận