Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
0
9
2
0
9
2
Tin tức sự kiện 20 Tháng Tư 2023 8:55:00 SA

Công an Quận 12 khuyến cáo, hướng dẫn người dân các biện pháp và điều kiện an toàn PCCC đối với hộ gia đình, khu dân cư

Thời gian gần đây trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các khu dân cư.

Cụ thể, ngày 23/3/2023, xảy ra cháy nhà dân tại địa chỉ số 1B đường 18D, khu phố 10, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân. Vụ cháy khiến một nạn nhân tử vong là em V.T.T.T (SN 2006, bị bại liệt, nằm tại tầng gác của căn nhà) và cháy khoảng 15/48m2 diện tích căn nhà. Mặc dù hàng xóm xung quanh cố gắng tiếp cận đám cháy cứu em T. nhưng đám cháy phát triển quá nhanh không thể tiếp cận, liền điện báo cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) qua số 114.

Ngày 26/3/2023, một vụ cháy nhà dân khác xảy ra tại số 45/36/21/5 đường Cao Lỗ, phường 4, quận 8 khiến một người tử vong là anh P.M.T (SN 1995, chủ nhà). Nạn nhân thiệt mạng trong lúc quay vào nhà để cứu tài sản. Nguyên nhân gây cháy được xác định là do bất cẩn trong thờ cúng để tàn nhang rơi xuống xe AirBlade bị rò rỉ xăng gây cháy, cháy hoàn toàn 18m2 diện tích căn nhà cùng một số vật dụng sinh hoạt gia đình, đồng thời cháy xém 3 căn nhà và 2 nhà trọ xung quanh.

Ngày 4/4/2023, một vụ cháy quán cơm trên Quốc lộ 13 (đoạn qua phường 26, quận Bình Thạnh) đã khiến một người tử vong là anh N.V.C (35 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn). Nguyên nhân cháy ban đầu được xác định là do chập điện biển quảng cáo.

 

 Vụ cháy nhà tại Quận Bình Tân và cháy quán cơm trên Quốc lộ 13

* Để hạn chế thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như các vụ cháy trên, người dân cần lưu ý:

 

1. Điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình:

Có quy định cụ thể về nội quy PCCC , sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với đặc điểm và tính chất hoạt động của khu dân cư.

Khu dân cư cần phải có hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy, giải pháp chống cháy lan. Các phương tiện PCCC bảo đảm số lượng và chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC của Bộ Công an.

Lực lượng Dân phòng phải được huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng PCCC và tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy để kịp thời đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.

Hộ gia đình phải có lối thoát hiểm thứ 2, không được chất nhiều đồ dễ cháy và bắt lửa, không để xe gắn máy chắn hết cửa ra vào…

Hệ thống báo cháy tự động (nếu được trang bị) nên lắp đặt bên trong cho từng phòng ngủ và cả những khu vực bên ngoài và ở mỗi tầng trong nhà.

Những chất lỏng có thể gây cháy, nổ hoặc những vật liệu dễ cháy phải được dán nhãn rõ ràng và thông báo cho tất cả mọi người trong gia đình cùng biết. Chúng phải được bảo quản cẩn thận ở những khu vực an toàn và xa tầm với trẻ em.

Một trong những chất dễ gây cháy nổ thường mua và lưu trữ trong dịp Tết là “cồn khô” hoặc những bình gas sử dụng cho bếp ga mini, chúng rất nguy hiểm và có thể trở thành hỏa hoạn nếu không được bảo quản và sử dụng đúng cách.

Luôn nhớ hoặc nhắc người nhà khóa van bình gas bất cứ khi nào không sử dụng hoặc vào ban đêm trước khi đi ngủ.

Tắt các thiết bị điện không cần thiết vào buổi tối. Nên kiểm tra tất cả các thiết bị điện trước khi đi ngủ và cũng nên tắt các đèn chiếu sáng trên bàn thờ nếu không thật sự cần thiết.

Áp dụng những biện pháp an toàn khi thắp nến (ví dụ: sử dụng giá đỡ nến bằng kim loại, đặt nến cách xa những vật liệu dễ bắt cháy…). Tuyệt đối cấm việc thắp nến trong khi đi ngủ vào buổi tối hoặc khi cúp điện. Không bao giờ đặt nến đang cháy gần màn ngủ.

Đặt chìa khóa cửa chính tại một nơi quy định hoặc trong tầm tay khi đi ngủ để có thể tìm được chìa khóa nhanh chóng và mở cửa trong trường hợp có hỏa hoạn.

Nếu bạn quyết định mua thêm các thiết bị điện để sử dụng, hãy kiểm tra khả năng chịu tải của dây điện hoặc ổ cắm trước khi sử dụng. Sự quá tải có thể gây nóng và gây hỏa hoạn nếu không được phát hiện kịp thời.

Những thiết bị điện khác tỏa nhiều nhiệt khi sử dụng như: bàn ủi, lò sưởi, lò vi sóng… phải được bảo đảm an toàn và kiểm tra kỹ trước và sau khi sử dụng.

Người lớn tuổi hoặc người có vấn đề về đi lại nên ngủ ở tầng trệt.

 

2. Cách xử trí khi xảy ra chập điện làm cháy nhà:

Khi xảy ra cháy hệ thống điện hoặc trong khu vực có điện, phải thật bình tĩnh báo động cho mọi người xung quanh.

Bằng mọi cách cắt nguồn cấp điện.

Đối với hệ thống điện: Ngắt cầu dao, áptômát.

Đối với thiết bị: Cắt công tắc, rút phích cắm.

Các trường hợp không thực hiện được thì dùng kìm cách điện, câu liêm có cán bằng vật liệu cách điện để cắt đứt dây dẫn điện từ nguồn cung cấp điện cho nơi bị cháy.

Tuyệt đối không dùng nước để dập tắt những đám cháy do chập điện.

Sau khi đã cắt điện, dùng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy.

Gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp theo số 114.

Trong trường hợp có người bị bỏng vì điện thì cần phải ngâm vết bỏng trong nước lạnh rồi sau đó đắp bằng vải sạch và khô. Còn nếu vết bỏng lớn thì phải dùng vải khô và vô trùng phủ lên vết bỏng rồi đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Bỏng điện sẽ gây ra các tổn thương cho da, cơ và xương của nạn nhân. Để tránh cho nạn nhân có thể bị sốc do bỏng điện, để nạn nhân nằm dài ra đất, chân kê cao. Đừng bao giờ tìm cách gỡ những mẩu áo quần bị cháy khỏi làn da đang bị bỏng.

 

3. Hướng dẫn cách thoát nạn trong điều kiện nhiều khói khí độc:

Cần lưu ý chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để thoát nạn khi có cháy:

Phải quan sát, tìm kiếm cầu thang bộ, lối thoát nạn khi vào các tòa nhà, công trình.

Sắp xếp hàng hóa, vật dụng sinh hoạt, xe máy… gọn gàng; hành lang, cầu thang, lối thoát nạn phải luôn thông thoáng. Chuẩn bị sẵn sàng chìa khóa cửa ra vào.

Trang bị đèn chiếu sáng sự cố, biển chỉ dẫn thoát nạn và phải đảm bảo hoạt động tốt.

Hạn chế sử dụng cửa cuốn làm cửa chính ra vào; nếu trang bị thì phải trang bị kèm theo bình tích điện dự phòng trường hợp mất điện và xích kéo đóng mở bằng tay.

Hạ thấp biển quảng cáo, không che chắn toàn bộ ban công; chuẩn bị thang dây, dây thả chậm… dự phòng.

 

Khi có cháy, người dân phải:

Tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số máy 114.

Bình tĩnh, báo động cho mọi người xung quanh biết, không xô đẩy, chen lấn…

Nếu không dập được lửa thì hãy đóng cửa phòng bị cháy nhưng không khóa, tìm đến các lối thoát nạn.

Chạy xuống, chạy ra khỏi tòa nhà; tuyệt đối không lấy giấy tờ, tiền bạc…

Không sử dụng thang máy, không trốn trong nhà vệ sinh.

Khom người, hạ thấp độ cao khi di chuyển, men theo tường, dùng vải, khăn thấm nước che miệng để hạn chế hít phải khói, khí độc.

Trên đường đi tìm mọi cách báo cho mọi người xung quanh biết đang có cháy.

Khi mở cửa các phòng phải kiểm tra nhiệt độ cửa, tránh mặt qua bên đề phòng lửa tạt.

Trên đường thoát nạn, nếu phải băng qua lửa hãy dùng chăn, áo, vải… nhúng nước để bảo vệ cơ thể.

Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không mở cửa; nếu có khói lùa vào phòng thì dùng vải, giẻ ướt, băng dính bịt kín các khe hở; di chuyển về phía cửa sổ, ban công, dùng khăn, áo sáng màu ra hiệu; trừ phi có điệm, tuyệt đối không nhảy.

Trong trường hợp cấp bách, có thể dùng phông màn, chăn, quần áo… nối lại với nhau buộc vào cấu kiện công trình và tuột xuống.

Nguyên nhân xảy ra cháy do sự cố về điện vẫn chiếm tỷ lệ cao, trong đó nhiều hộ gia đình vi phạm các quy định an toàn trong việc lắp đặt, sử dụng hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tùy tiện, không kiểm soát mức độ an toàn của các thiết bị điện cũng như dây dẫn điện một cách thường xuyên. Vì vậy, nhằm tránh xảy ra các sự cố cháy, nổ đáng tiếc, người dân cần kiểm tra hệ thống điện, các thiết bị điện đang sử dụng thường xuyên để phát hiện ra bất thường nếu có, nhằm tránh xảy ra sự cố đáng tiếc xảy ra.

 

Công an Quận 12


Số lượt người xem: 429    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày