Nhằm hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động, Nhà nước đã đưa ra 04 chính sách, bao gồm: Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm; Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn; Chính sách việc làm công và các chính sách hỗ trợ khác. Điều kiện để người lao động có thể hưởng thụ những chính sách này được quy định cụ thể tại Luật Việc làm năm 2013.
Các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động được quy định cụ thể như sau:
1. Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm:
Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.
* Quỹ quốc gia về việc:
Cụ thể tại Điều 11 Luật Việc làm 2013, nguồn hình thành Quỹ quốc gia về việc làm bao gồm:
- Ngân sách nhà nước;
- Nguồn hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
- Các nguồn hợp pháp khác.
Việc quản lý, sử dụng Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định của pháp luật.
* Đối tượng vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm:
Đối tượng được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm bao gồm:
(i) Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh;
(ii) Người lao động.
Đối với đối tượng trên thuộc các trường hợp sau đây được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm với mức lãi suất thấp hơn:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số;
- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật.
(Theo Điều 12 Luật Việc làm 2013)
* Điều kiện vay vốn:
- Đối tượng quy định tại mục (i) được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có dự án vay vốn khả thi tại địa phương, phù hợp với ngành, nghề sản xuất kinh doanh, thu hút thêm lao động vào làm việc ổn định;
+ Dự án vay vốn có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;
+ Có bảo đảm tiền vay.
- Đối tượng quy định tại mục (ii) được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Có nhu cầu vay vốn để tự tạo việc làm hoặc thu hút thêm lao động có xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án;
+ Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án.
(Theo Điều 13 Luật Việc làm 2013)
Ngoài ra, căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, Nhà nước sử dụng các nguồn tín dụng khác để cho vay ưu đãi nhằm thực hiện các chính sách gián tiếp hỗ trợ tạo việc làm.
2. Chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn:
* Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn:
Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn được căn cứ chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn.
Khi đó, người lao động ở khu vực nông thôn tham gia chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm được hưởng các chế độ sau đây:
- Hỗ trợ học nghề;
- Tư vấn miễn phí về chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, học nghề;
- Giới thiệu việc làm miễn phí;
Vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại các điều 11, 12 và 13 của Luật Việc làm 2013.
(Theo Điều 15 Luật Việc làm 2013)
* Hỗ trợ học nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn:
Đối với người lao động ở khu vực nông thôn học nghề dưới 03 tháng hoặc học nghề trình độ sơ cấp ở cơ sở đào tạo nghề được hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
(Theo Điều 16 Luật Việc làm 2013)
* Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tạo việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn:
Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng việc làm tại chỗ cho người lao động ở khu vực nông thôn thông qua các hoạt động sau đây:
- Vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại các điều 11, 12 và 13 Luật Việc làm 2013;
- Hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm;
- Miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
(Theo Điều 16 Luật Việc làm 2013)
3. Chính sách việc làm công:
* Đối tượng tham gia chính sách làm việc công:
(1) Người lao động được tham gia chính sách việc làm công khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Cư trú hợp pháp tại địa phương nơi thực hiện dự án, hoạt động;
- Tự nguyện tham gia chính sách việc làm công.
(2) Đối với người lao động quy định là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; người chưa có việc làm hoặc thiếu việc làm được ưu tiên tham gia chính sách việc làm công.
Ngoài ra, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng người lao động quy định tại mục (1) khi thực hiện dự án, hoạt động không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Việc làm 2013.
(Theo Điều 19 Luật Việc làm 2013)
* Nội dung chính sách làm việc công:
Chính sách việc làm công được thực hiện thông qua các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cấp xã, bao gồm:
- Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng;
- Bảo vệ môi trường;
- Ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Các dự án, hoạt động khác phục vụ cộng đồng tại địa phương.
Các dự án, hoạt động quy định trên khi thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu, trong hồ sơ mời thầu hoặc hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu tham dự thầu đề xuất phương án sử dụng lao động thuộc đối tượng quy định tại mục (1).
(Theo Điều 18 Luật Việc làm 2013)
4. Các chính sách hỗ trợ khác:
* Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu và khả năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 20 Luật Việc làm 2013, người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Nhà nước hỗ trợ:
- Học nghề, ngoại ngữ; hiểu biết phong tục tập quán, pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động;
- Đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động;
- Vay vốn với lãi suất ưu đãi.
* Hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên:
Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân giải quyết việc làm cho thanh niên; tạo điều kiện cho thanh niên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong tạo việc làm.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên thông qua các hoạt động được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Việc làm 2013, cụ thể như sau:
- Tư vấn, định hướng nghề nghiệp và giới thiệu việc làm miễn phí cho thanh niên;
- Đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội;
- Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp.
* Hỗ trợ phát triển thị trường lao động:
Cụ thể tại Điều 22 Luật Việc làm 2013, Nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường lao động thông qua các hoạt động sau đây:
- Thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động;
- Hiện đại hóa hoạt động dịch vụ việc làm và hệ thống thông tin thị trường lao động;
- Đầu tư nâng cao năng lực trung tâm dịch vụ việc làm;
- Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường lao động..
Luật Việc làm năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015./.
Phòng Văn hóa và Thông tin