Thực hiện Kế hoạch số 5365/KH-BCĐ ngày 24 tháng 7 năm 2024 của Ban Chỉ đạo 138 Quận 12 về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về một số phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm “tín dụng đen”. Ủy ban nhân dân Quận 12 thông tin đến Nhân dân trên địa bàn quận cần nâng cao ý thức để chủ đồng phòng ngừa với loại tội phạm “tín dụng đen” với một số hoạt động như sau:

1. Hoạt động Bốc họ (Bốc bát, bốc bát họ):
- Đây là hình thức cho vay lãi nặng phổ biến, người vay sẽ được vay số tiền tùy theo nhu cầu, tuy nhiên chỉ được nhận 70-80% số tiền mà người đó vay, 20-30% còn lại các đối tượng cho vay lãi nặng giữ lại và tính đó là số tiền lãi suất mà người vay phải chi trả. Sau đó, trong một khoảng thời gian nhất định mà đối tượng cho vay lãi nặng yêu cầu, người vay sẽ phải trả dần số tiền mình đã vay ban đầu theo chu kì nhất định (trả tiền hằng ngày; 05 ngày 01 lần; 07 ngày 01 lần,…) cho đến khi trả đủ số tiền mình đã vay ban đầu. Các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ cử người đến tận nơi cư trú, làm việc của người vay để thu tiền.
* Ví dụ: Vay 10.000.000 đồng, người vay chỉ được nhận 8.000.000 đồng, 2.000.000 sẽ được các đối tượng cho vay lãi nặng giữ, tính là tiền lãi. Sau đó, trong khoảng thời gian 20 ngày, mỗi ngày người vay phải trả 500.000 đồng. Tạm tính, số tiền lãi mà người vay phải chịu trong giao dịch nêu trên là 2% ngày tương đương 60% tháng.
2. Hoạt động cho vay tín chấp:
- Đối với vay tín chấp, các đối tượng cho vay lãi nặng giải ngân nhanh chóng, không cần xét duyệt khả năng tài chính của người vay tiền chỉ cần thông tin cá nhân, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc của người vay, để trong trường hợp người vay tiền không có khả năng trả số tiền đã vay. Các đối tượng sẽ đến tận nhà, nơi làm việc để đe dọa, uy hiếp người vay phải trả tiền.
- Mức lãi mà người vay phải chịu khi tham gia vay tiền từ các đối tượng cho vay nặng lãi nặng trong khoảng từ 3.000 đến 10.000/1 triệu đồng/ngày (tương đương 9% -30%/tháng) khi yêu cầu người vay ký hợp đồng vay nợ, các đối tượng cho vay lãi nặng không thể thực hiện mức lãi suất trong khi vay, mức lãi suất này chỉ được thông báo, thống nhất bằng lời nói.
- Khi đến hạn trả tiền mà người vay không thể trả tiền, các đối tượng cho vay lãi nặng sẽ đến nơi ở, nơi làm việc của người vay để đe dọa, uy hiếp tinh thần, buộc người vay phải cầm cố tài sản, thế chấp tài sản cho chúng nhưng thực tế là ép bán, chuyển nhượng quyền sử dụng tài sản, hoặc đồng ý cho người vay khắt nợ nhưng ép người vay phải ký kết với chúng thêm một hợp đồng vay nợ là số tiền gốc, lãi từ hợp đồng vay nợ trước chưa trả hết, sau đó tiếp tục tính lãi.
3. Hoạt động cho vay thế chấp:
- Đối với vay thế chấp, cầm cố tài sản, khi người vay tham gia vay nợ với các đối tượng cho vay lãi nặng, mức tính lãi tương đương với vay tín chấp. Các đối tượng này yêu cầu người vay phải cầm cố thế chấp tài sản, giữ tài sản để làm tin, tuy nhiên trên thực tế các đối tượng cho vay lãi nặng yêu cầu người vay phải viết giấy bán tài sản (nhằm hợp thức hóa việc chiếm tài sản) sau đó mới được nhận tiền. Để hợp thức hóa việc thu tiền nợ, lại nợ của người vay , các đối tượng cho vay lãi nặng sau khi “mua”lại tài sản từ người vay sẽ cho người vay thuê mượn lại chính tài sản đó và kí hợp đồng thuê mượn. Trong trường hợp, người vay không đủ khả năng để trả tiền, các đối tượng cho vay lãi nặng sẽ chiếm đoạt các tài sản nêu trên.
Do đó, khi tham gia vay từ các đối tượng vay lãi nặng, nếu người vay không thanh toán tiền đúng hạn, sẽ bị các đối tượng cho vay lãi nặng dùng mọi hình thức để uy hiếp tinh thần, đe dọa người vay, ép người vay phải trả tiền hoặc tiếp tục tham tham gia vay nợ các đối tượng nêu trên. Để có thể siết nợ người vay, các đối tượng cho vay lãi nặng ban đầu cho người đến tạt sơn, ném chất bẩn như: phân, dầu nhớt, mắm tôm,… vào nhà người vay, gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan khu dân cư. Đồng thời, gây ra những dư luận xấu trong quần chúng Nhân dân. Nếu người vay vẫn tiếp tục lẫn tránh, không trả tiền các đối tượng này sẽ đến nhà, cơ quan uy hiếp tinh thần, hạ thấp danh dự bằng nhiều hình thức như: Sử dụng loa phóng thanh để chửi bới thậm chí sử dụng các nhạc cụ, vật dụng trong đám hiếu như quan tài, vòng hoa,…để đòi nợ. Cuối cùng, khi người vay không còn khả năng thanh toán số tiền nợ và lãi nợ, các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ thực hiện các hành vi manh động, côn đồ để uy hiếp người vay như đánh đập, bắt giữ, sử dụng nhục hình để cưỡng đoạt tài sản từ người vay, gia đình người vay. Ép họ phải “bán” tài sản cho các đối tượng cho vay lãi nặng để trừ nợ.
Trên đây là một số phương thức, thủ đoạn và hậu quả của loại tội phạm cho vay nặng lãi hoạt động “tín dụng đen” gây ra, Ủy ban nhân dân quận 12 thông tin đến Nhân dân trên địa bàn quận cần nâng cao cảnh giác để chủ động phòng ngừa có hiệu quả với hoạt động của loại tội phạm này./
Phòng VHTT