Trước hành động Pháp công khai tiến hành chiến tranh xâm lược, sáng ngày 23/9/1945, một hội nghị khẩn cấp của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã nhóm họp. Hội nghị đã đi đến quyết định: Đồng thời với việc gửi điện cấp báo ra Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin chỉ thị, là phải phát động Nhân dân kháng chiến. Sau đó, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ chỉ đạo thành lập Ủy ban Kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn. Sáng ngày 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ - Đồng chí Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ :
“…Hỡi đồng bào!
Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.
Hỡi anh em binh sĩ, quân dân tự vệ!
Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước.
Cuộc kháng chiến bắt đầu!”
Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào Nam Bộ và viết: "Nước ta vừa tranh quyền độc lập thì đã gặp nạn ngoại xâm…Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và Nhân dân hiện đang tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà…".Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn đã chủ động tổ chức và bố trí các lực lượng vũ trang tại chỗ phù hợp, hình thành thế trận đánh địch cả ở nội và ngoại thành, phát huy sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang thực hiện “trong đánh, ngoài vây”, “trong ngoài cùng đánh”.
“Mùa thu rồi, ngày hăm ba” là một mốc son quan trọng, là minh chứng chặng đường lịch sử đầy khó khăn thử thách của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cùng quân dân Nam Bộ đã “đi trước về sau” với ý chí chiến đấu ngoan cường trong 09 năm trường kỳ kháng chiến để cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chấm dứt hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Pháp giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Tinh thần bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ mà lịch sử giao phó, xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng./.
Phòng VHTT