Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
6
1
7
1
7
9
6
Tin tức sự kiện 16 Tháng Tư 2025 2:00:00 CH

Bài tuyên truyền về tội phạm lừa đảo trên không gian mạng

Thời gian qua, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, mặc dù các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt tuyên truyền trên mạng Internet nhưng vẫn còn rất nhiều người bị lừa đảo trên môi trường mạng, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình ANTT trên địa bàn Thành phố. Qua thống kê từ ngày 15/12/2024 đến ngày 15/3/2025 trên địa bàn Thành phố xảy ra: 215 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, đã khám phá: 04 vụ án, bắt 13 đối tượng. Tài sản thiệt hại khoảng 227 tỷ đồng.

Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thời gian qua. Ban Chỉ đạo 138 quận đề nghị các phòng, ban, trung tâm thuộc quận, Ủy ban nhân dân 11 phường tăng cường tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn quận về những thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng và các biện pháp khuyến cáo của Công an Thành phố để tuyên truyền thông qua các cuộc họp tại cơ quan, đơn vị, tại khu phố và thông qua các trang mạng hiện có của đơn vị như: Bản tin phường, các nhóm Zalo, Viber, Telegram,… với nội dung như sau:

1. Các phương thức thủ đoạn chủ yếu:

- Giả danh cơ quan chức năng (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Thuế, Nhân viên Bưu điện, …) thông báo liên quan đến các đường dây tội phạm mua bán ma túy, rửa tiền, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng chỉ định để chứng minh không liên quan đến tội phạm và gửi cho bị hại các đường link yêu cầu đăng nhập vào các trang dịch vụ công trực tuyến, trang khai báo nộp thuế để thay đổi thông tin cá nhân sau đó xâm nhập, chiếm quyền quản lý các tài khoản, lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản (56 vụ).

- Mời gọi tiền đầu tư vào các sàn giao dịch chứng khoán, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối yêu cầu nạp tiền vào tài khoản để đầu tư rồi chiếm đoạt (47 vụ).

- Hack tài khoản mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc  của chủ tài khoản hỏi vay, mượn tiền, hoặc nhờ chuyển tiền số lượng lớn vào tài khảon ngân hàng của đối tượng rồi chiếm đoạt (10 vụ).

- Thủ đoạn làm quen trên mạng, hứa hẹn tình cảm và gửi các gói hàng có giá trị, yêu cầu nộp các loại phí vận chuyển, thuế hải quan và tiền phạt, tiền lót tay để được thông quan thì mới nhận được hàng, khi bị hại chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định thì bị chiếm đoạt (15 vụ).

- Thủ đoạn lừa đảo qua việc đăng tin trên mạng, mời gọi mua hàng hóa, đăng ký dịch vụ (vé máy bay, du lịch,…) với giá rẻ, sau khi bị hạn chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định thì bị chiếm đoạt (14 vụ).

- Kêu gọi bị hại làm cộng tác viên để làm nhiệm vụ trên các sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng (38 vụ).

- Giả danh nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng mời chào, cung cấp các khoản vay tín dụng, mở thẻ online, yêu cầu đóng các loại phí để làm hồ sơ, sau khi nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng chỉ định thì chiếm đoạt (03 vụ).

- Một số phương thức lừa đảo khác (cho số lô đề, chuyển nhầm tiền, lấy lại tài khoản mạng xã hội, gọi video nhạy cảm để tống tiền,…) (32 vụ).

2. Một số phương thức, thủ đoạn mới hiện nay:

-  Các đối tượng mạo danh các trường đại học thông báo đến các sinh viên chương trình trúng tuyển học bổng và được tài trợ mức sinh hoạt phí đến 100% khi đi du học, các đối tượng yêu cầu bị hại đóng phí phê duyệt hồ sơ bằng cách chuyển tiền đến các tài khoản được chỉ định sau đó chiếm đoạt tài sản.

-  Các đối tượng lợi dụng chính sách miễn học phí cho học sinh của nhà nước đã mạo danh giáo viên, nhân viên nhà trường gọi điện thoại, gửi tin nhắn cho phụ huynh học sinh để cập nhật hồ sơ hoàn tiền học phí đã đóng trước đó. Để nhận được tiền học phí, các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, đăng nhập vào các đường link giả mạo để hoàn tất thủ tục sau đó chiếm quyền quản lý tài khoản cá nhân và chiếm đoạt tài sản.

3. Các biện pháp khuyến cáo người dân:

- Không cung cấp bất kỳ nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân và thông tin tài khoản ngân hàng để tránh lộ lọt thông tin dẫn đến các đối tượng lấy cắp thông tin để thực hiện hành vi phạm tội.

- Không đăng nhập vào các đường link lạ, đường dẫn, liên kết trang web hoặc ứng dụng đến từ người gửi không xác định, không rõ nguồn gốc.

- Không thực hiện chuyển tiền để làm hồ sơ, thủ tục vay tiền, mở thẻ tín dụng online trên mạng.

- Không tham lợi với những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một các dễ dàng mà không tốn sức lao động, những lời mời chào dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”.

- Không cung cấp mã OTP của tài khoản ngân hàng cho bất kỳ người nào biết.

- Không kết bạn và nói chuyện với người lạ trên các trang mạng xã hội, không nhận lời mời tham gia các hội nhóm không rõ ràng.

- Không tham gia đầu tư trên các sàn chứng khoán, tiền ảo không rõ nguồn gốc, không được nhà nước công nhận.

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật các phương thức thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao cảnh giác.

4. Khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

- Liên hệ ngay với ngân hàng để yêu cầu khóa tài khoản và tạm dừng mọi giao dịch tài khoản.

- Trình báo ngay đến Cơ quan Công an nơi gần nhất để được giải quyết.

Để ngăn chặn và phòng ngừa có hiệu quả loại tội phạm trên. Ban chỉ đạo 138 quận đề nghị toàn thể Nhân dân trên địa bàn quận cần nâng cao tinh thần cảnh giác và thực hiện tốt các biện pháp khuyến cáo vừa nêu, góp phần đẩy lùi loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng trong thời gian tới./.

Phòng VHKHTT


Số lượt người xem: 16    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày