Hen suyễn là một bệnh hô hấp phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, bệnh ảnh hưởng đến khoảng 6,5% trẻ em dưới 18 tuổi. Dưới 15 tuổi, hen suyễn phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng hẹp đường thở trong phổi.

Các triệu chứng của bệnh bao gồm thở khò khè, ho, tức ngực và khó thở. Các triệu chứng này có xu hướng xuất hiện rồi biến mất và liên quan đến mức độ hẹp đường thở trong phổi.
Nhiều yếu tố khác nhau có thể khởi phát các triệu chứng ở những người bị hen suyễn. Yếu tố di truyền, bệnh truyền nhiễm và môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
Có tới một phần ba trẻ em dưới 3 tuổi sẽ ho và thở khò khè khi bị cảm lạnh, nhưng nhiều trẻ trong số đó sẽ không bị hen suyễn trong tương lai. Do đó, chẩn đoán thường được xác định khi bệnh nhi tiếp tục bị các cơn tái phát sau khi tròn 3 tuổi. Tiền sử có những đợt bệnh cấp tính có tình trạng tắc nghẽn có thể hồi phục (đáp ứng với thuốc dãn phế quản) hoặc đôi khi các xét nghiệm chuyên khoa giúp xác định chẩn đoán.
Việc điều trị hen suyễn tối ưu ở trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tuổi, mức độ nghiêm trọng và tần suất các cơn hen xảy ra và tuân thủ dùng thuốc. Trong hầu hết các trường hợp, thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng, cho phép trẻ tham gia đầy đủ vào mọi hoạt động, bao gồm cả thể thao.
Điều trị hen suyễn:
Điều trị hen suyễn thành công bao gồm ba thành phần:
● Xác định và tránh các tác nhân gây hen suyễn
● Theo dõi tái khám thường xuyên mỗi 1 - 3 tháng, đánh giá các triệu chứng của bệnh và chức năng phổi.
● Hiểu được thời điểm và cách sử dụng thuốc cắt cơn hen.
Triệu chứng nặng cần đi khám ngay :
- Trẻ khó thở và không thể nói chuyện
- Trẻ thở rút lõm lồng ngực
- Môi trẻ tím hay không còn hồng hào như bình thường
-Trẻ mệt và không hoạt động như mọi ngày
Chăm sóc đúng cách và hiểu rõ tình trạng của trẻ sẽ giúp bạn quản lý hen suyễn hiệu quả, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và tự tin tham gia mọi hoạt động.
BBT