Bỏ qua nội dung chính
 

 

SỐ LƯỢT TRUY CẬP

4
5
1
5
3
4
6
6
Tin tức sự kiện 27 Tháng Mười Một 2015 4:40:00 CH

Kỷ niệm 75 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2015)

 Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, thực dân thẳng tay đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, chĩa mũi nhọn vào Đảng Cộng sản. Mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp ngày càng gay gắt. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng diễn ra từ ngày 6 đến 8/11/1939, tại Bà Điểm (Hóc Môn) đã xác định: giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách của các dân tộc Đông Dương. Nghị quyết của Hội nghị được phổ biến tới các địa phương, như một luồng gió mới tiếp thêm sinh khí cho phong trào cách mạng trên cả nước.

Từ tháng 7 đến tháng 10/1940, Đảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ trương và gấp rút lãnh đạo các tầng lớp nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Đến giữa tháng 11/1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày 21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940. Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng từ ngày 6 đến 9 tháng 11/1940 đã quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa vì điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi. Đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Đăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương, một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt, cuộc khởi nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.

Cả Nam Kỳ rung chuyển dưới sức nổi dậy của quần chúng cách mạng. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22 rạng sáng 23/11 đến ngày 31/12/1940, mạnh nhất là ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường, cắt dây điện thoại... Trong bão táp cách mạng, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được giương cao trong các cuộc biểu tình, tiến công đồn bốt ở Mỹ Tho (vùng Long Hưng, Long Định), Gia Định (vùng Hóc Môn), Vĩnh Long (vùng Bà Càng), Bạc Liêu (vùng Cà Mau), Chợ Lớn, Tân An, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Long Xuyên, Thủ Dầu Một...

Tuy chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp khủng bố khốc liệt những người khởi nghĩa. Hàng nghìn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo và các trại tập trung Bà Rá, Tà Lài... Pháp cũng nhân cơ hội này hành hình nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt của Đảng bị bắt từ trước khởi nghĩa: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Đăng Lưu...

Mặc dù thất bại do điều kiện chưa chín muồi, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa rất to lớn. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam Bộ trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 14/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 163- SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940. Đó là sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam Kỳ.

Mang tính chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính nhân dân rộng rãi và sâu sắc, khởi nghĩa Nam Kỳ là minh chứng sinh động cho chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu của Đảng được đặt ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1939 với phương pháp đấu tranh “vũ lực” là hoàn toàn đúng đắn và sáng tạo. Từ kinh nghiệm các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ, Đô Lương, Đảng ta chủ trương phải phát huy tính tích cực, chủ động cách mạng, phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, để khi thời cơ đến, có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương để mở đường cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Kỷ niệm 75 năm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa (23/11/1940 - 23/11/2015) là dịp để nhân dân, đặc biệt là tuổi trẻ Quận 12 soi rọi lại mình trước chiều dài truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc, để đánh giá mức độ trưởng thành, đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy tự hỏi mình phải làm gì để xứng đáng là người viết tiếp những trang sử vẻ vang của các thế hệ cha anh. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và tuổi trẻ Quận 12 nguyện sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập và lao động để góp phần xây dựng quê hương Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quê hương 18 Thôn Vườn Trầu, Chiến khu An Phú Đông, Vườn Cau Đỏ anh hùng ngày càng phát triển, văn minh hơn và hiện đại hơn góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Minh Nhật (BT)


Số lượt người xem: 2672    

TIN MỚI HƠN

TIN ĐÃ ĐƯA

Xem tiếp
Xem theo ngày Xem theo ngày